Tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác của Hội Luật gia - Dân Làm Báo

Tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác của Hội Luật gia

Nhandan.com - Sự lãnh đạo của Ðảng đối với Hội Luật gia Việt Nam, là tạo điều kiện cho Hội Luật gia được tiếp cận những thông tin mới và những quan điểm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, chủ động đề xuất ý kiến và xây dựng chương trình công tác phù hợp. Tăng cường định hướng, giao nhiệm vụ cụ thể cho Hội Luật gia, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương, đơn vị... để Hội thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Lãnh đạo xây dựng và củng cố để các cấp Hội Luật gia thực sự là một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp đặc thù của những người hoạt động trong lĩnh vực pháp luật.

Ngày 11-4, tại Trụ sở T.Ư Ðảng, Ban Bí thư T.Ư Ðảng tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Chỉ thị số 56 của Bộ Chính trị (khóa VIII) "Về việc tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác của Hội Luật gia Việt Nam". 

Ðồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư chủ trì và phát biểu ý kiến chỉ đạo hội nghị. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành, cơ quan, đoàn thể ở T.Ư; đại diện thường trực tỉnh ủy, thành ủy và chủ tịch, chánh văn phòng Hội Luật gia các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư.

Sau khi nghe báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị (khóa VIII) Về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác của Hội Luật gia Việt Nam, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị số 56 trong thời gian qua, đóng góp ý kiến vào Dự thảo Kết luận của Ban Bí thư về kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị số 56, phương hướng, nhiệm vụ của Hội trong thời gian tới và đề xuất, kiến nghị một số vấn đề để Ban Bí thư xem xét, quyết định. 

Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, phát biểu ý kiến chỉ đạo hội nghị, đồng chí Lê Hồng Anh nhấn mạnh: Các cấp ủy, tổ chức đảng từ Trung ương đến cơ sở tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện ba nhiệm vụ cơ bản. Trong đó, đồng chí nhấn mạnh:

Sự lãnh đạo của Ðảng đối với Hội Luật gia Việt Nam, là tạo điều kiện cho Hội Luật gia được tiếp cận những thông tin mới và những quan điểm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, chủ động đề xuất ý kiến và xây dựng chương trình công tác phù hợp. Tăng cường định hướng, giao nhiệm vụ cụ thể cho Hội Luật gia, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương, đơn vị... để Hội thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Lãnh đạo xây dựng và củng cố để các cấp Hội Luật gia thực sự là một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp đặc thù của những người hoạt động trong lĩnh vực pháp luật. 

Ðổi mới nội dung, phương thức tổ chức và hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Hội. Hoàn thiện cơ sở chính trị, pháp lý và Ðiều lệ Hội để bảo đảm cho các cấp Hội tổ chức và hoạt động theo đúng đường lối, quan điểm của Ðảng, pháp luật của Nhà nước và Ðiều lệ của Hội Luật gia Việt Nam. Tăng cường cán bộ chuyên trách làm công tác hội, chú trọng việc lựa chọn, bồi dưỡng cán bộ có phẩm chất, năng lực, nhiệt tình và kinh nghiệm công tác hội để bố trí vào các vị trí chủ chốt của Hội đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 

Hội Luật gia Việt Nam cần thực hiện tốt việc xây dựng và thực hiện đề án về xã hội hóa công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý; tham gia phản biện và giám định xã hội trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời tham gia giám sát việc thi hành pháp luật và giải quyết các tranh chấp pháp lý ngoài cơ chế Nhà nước. Chủ động cùng các cơ quan tư pháp tham gia công tác đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn một số chức danh tư pháp, hội thẩm nhân dân. 

Mở rộng và nâng cao hiệu quả quan hệ hợp tác quốc tế giữa Hội Luật gia Việt Nam với các tổ chức và cá nhân luật gia tiến bộ ở các nước trong khu vực và trên thế giới, phấn đấu làm tròn trách nhiệm, củng cố vị trí, vai trò và uy tín của Hội Luật gia Việt Nam trong Hiệp hội Luật gia Ðông - Nam Á và Hội Luật gia Dân chủ thế giới. Tích cực tham gia tuyên truyền, giới thiệu đường lối, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước ra nước ngoài, tạo môi trường thuận lợi phục vụ công cuộc phát triển kinh tế, xây dựng đất nước, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. 

Nghiên cứu xây dựng cơ chế phối hợp giữa Ðảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam với các cấp ủy, tổ chức đảng của các bộ, ban, ngành, địa phương và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội được giao nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam theo tinh thần và nội dung của Chỉ thị số 56-CT/TW của Bộ Chính trị.

http://www.nhandan.com.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/chinh-tri/tin-chung/t-ng-c-ng-s-l-nh-o-c-a-ng-i-v-i-cong-tac-c-a-h-i-lu-t-gia-1.342849

*

Hội Luật gia tổng kết việc thực hiện Chỉ thị 54 

(VOV) - Sau hơn 10 năm thực hiện chỉ thị 56 của Ban Bí thư, đến nay, Hội Luật gia Việt Nam thu hút sự tham gia của 44.000 hội viên, trong đó hơn 70% là đảng viên

Ngày 11/4 tại Hà Nội, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị “Tổng kết thực hiện Chỉ thị 56 ngày 18/8/2000 của Bộ Chính trị về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Luật gia Việt Nam”. Ông Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư tới dự. 

Sau hơn 10 năm thực hiện chỉ thị 56 của Ban Bí thư, đến nay, Hội Luật gia Việt Nam thu hút sự tham gia của 44.000 hội viên, trong đó hơn 70% là đảng viên. Các cấp hội đã góp ý xây dựng 118 dự án luật, pháp lệnh và hàng chục nghìn văn bản pháp luật, các hương ước, quy ước tại cơ sở. 

Với nhiều hình thức khác nhau, hơn 10 năm qua, Hội Luật gia các cấp đã tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tới 31 triệu lượt người dân; làm tốt công tác tư vấn pháp luật miễn phí cho người nghèo thông qua 61 trung tâm tư vấn trên cả nước. Hội còn có nhiều ý kiến quan trọng trong việc tuyển chọn, bổ nhiệm trên 6.000 thẩm phán, kiểm sát viên các cấp; tích cực đấu tranh bảo vệ các quan điểm của Đảng về dân chủ, nhân quyền; đồng chủ trì tổ chức 2 hội thảo quốc tế lớn về biển Đông, được dư luận trong nước và quốc tế ghi nhận. 

Kết luận hội nghị, ông Lê Hồng Anh đánh giá cao hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam hơn 10 năm qua trong việc thực hiện chỉ thị số 56 của Bộ Chính trị khóa 8; nhấn mạnh một số nhiệm vụ thời gian tới của Hội. Đó là, gắn thực hiện công tác của Hội với việc thực hiện Nghị quyết Đại hội 11, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. 

Tiếp tục đổi mới hình thức tổ chức và hoạt động để Hội Luật gia thực sự là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp của những người làm công tác pháp luật; nghiên cứu, xây dựng cơ chế phối hợp với các bộ, ban, ngành và địa phương theo tinh thần Chỉ thị 56 của Bộ Chính trị. 

Ông Lê Hồng Anh nêu rõ: “Hội cần thực hiện tốt việc xây dựng và thực hiện các đề án về xã hội hóa công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý; tham gia phản biện và giám định xã hội trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, tham gia giám sát việc thi hành pháp luật và giải quyết các tranh chấp pháp lý ngoài cơ chế Nhà nước; chủ động cùng các cơ quan tư pháp tham gia công tác đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn một số chức danh tư pháp và hội thẩm nhân dân”./. 

Việt Cường/Trung tâm tin



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo