Chống tham nhũng khó - Dân Làm Báo

Chống tham nhũng khó

Đại Nghĩa (Danlambao) - Chống tham nhũng khó, không khó vì tham nhũng chống, mà chỉ khó vì đảng Cộng sản bao che.

Tham nhũng thì chỉ bị đi tù, còn chống tham nhũng không những đi tù mà còn từ chết tới bị thương. Ai mới có điều kiện để tham nhũng? Chắc chắn người ấy không phải là những người dân tay lấm chân bùn, cũng không phải là người nông dân hiền hòa mộc mạc. Chúng ta hãy nghe tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ chỉ hộ chúng ta bọn tham nhũng ấy là ai?

“Ông nói đa phần những kẻ tham nhũng là đảng viên cho nên cuộc đấu tranh chống tham nhũng trong thời gian đầu có thể sẽ có những khó khăn. Ông cáo buộc là những đảng viên cao cấp, thậm chí ở cả cấp ủy viên trung ương đảng, đang tiến hành tham nhũng một cách tràn lan…

“Tuy nhiên, ông nói, cũng có những thành phần cơ hội, khi còn tại chức thì “ngậm miệng ăn tiền”, đến khi không còn chức quyền mới tham gia phong trào chống tham nhũng để tránh “lạc lõng”. (BBC online ngày 12-10-2005) 

Do những đối tượng có quyền thế tham nhũng là thế cho nên vấn đề chống tham nhũng không phải là dể mà nó có lắm điều nhiêu khê và bất trắc. Nhà báo Trần Quang Thành, người từng làm việc nhiều năm tại Đài Tiếng Nói VN, Đài Truyền Hình VN bị trù dập và bị tạt axit vì chống tham nhũng, ông kể rằng:

“Là một nhà báo làm việc cho lẽ phải, mình không thể uốn cong ngòi bút được, nhà báo phải nói ra sự thật, nói ra sự thật để làm lành mạnh cho xã hội, để cho dân chúng đỡ khổ…

“Tôi đi đấu tranh để mà chống tham nhũng để mà vạch mặt bọn buôn gian bán lậu, vạch mặt bọn tiêu cực trong xã hội, tệ nạn xã hội…mà công an thì được thưởng, công an được thưởng hồi đó mấy chục triệu, nhưng tôi có được thưởng xu nào đâu…rồi cuối cùng là mang trên mặt thế là 15 lần mổ, mù mắt một mắt, mồm cũng chả còn, mũi cũng chả còn”. (RFA online ngày 2-6-2006)

Sau trên 50 năm theo đảng bác sỹ quân y Đỗ Ngọc Bích đã tuyên bố “Trả đảng toàn bộ Huân chương” vì tham gia chống tham nhũng mà bị trù dập đến tận cùng.

“Tôi: Đỗ Ngọc Bích- 73 tuổi nguyên bác sỹ chuyên khoa Nội nhi cấp I…Tôi tham gia cách mạng cho đảng CSVN từ năm 1954 tới nay 12-2006…

“…tôi nghe đảng CSVN, nghe nhà nước VN XHCN kêu gọi chống tham nhũng, tôi thực sự dám đấu tranh bảo vệ sự công bằng. Cũng như thời chiến tranh “chống Pháp, chống Mỹ” nên tôi không lường trước được việc bọn tham nhũng, gian tham lại tìm cách trù dập, bức hại tôi đã 16 năm nay suốt từ tháng 3-1991 tới nay 12-2006. Nay cuộc sống của tôi hoàn toàn trắng tay, không chế độ, không một đồng xu lương hưu, không có 1 m2 (mét vuông) nhà đất để ở”. (Thời Luận ngày 23-5-2008)

Muốn biết sự nguy hiểm của việc chống tham nhũng đến mức nào, thì đây chúng ta hãy xem hành động trả thù nguy hiểm của bọn tham nhũng dành cho người chống tham nhũng qua bản tin của đài RFA như thế nào:

“Vụ nổ mìn nhắm vào nhà người chống tham nhũng có tiếng tại thị trấn Lạt, huyện Tân Kỳ, Nghệ An hôm nay 16-9 vừa qua cho thấy những kẻ xấu tiếp tục lộng hành ra tay đối với những thành phần can đảm tố cáo hành vi tội ác được cho tràn lan ở Việt nam hiện nay. Ngôi nhà mục tiêu của vụ đánh mìn vừa nói là của ông Nguyễn Văn Thành, 69 tuổi, cán bộ Viện Kiểm sát huyện Tân Kỳ đã về hưu. Ông Nguyễn Văn Thành được truyền thông trong nước mô tả người tích cực tham gia công cuộc chống tham nhũng tại địa phương”. (RFA online ngày 20-9-2011)

Một gương can đảm trong việc chống tham nhũng mà ít được ai biết đến, đó là bà Nguyễn Thị Hòa đã từng nhiều phen bị trả thù nhưng bà vẫn kiên trì với lý tưởng.

“Một trường hợp chống tham nhũng khác bị trả thù mà báo chí trong nước nêu ra là câu chuyện của bà Nguyễn thị Hòa ở Yêu Phụ, Tây Hồ. Là người từng tham gia chiến đấu trong chiến tranh, nhưng lúc đó bà chịu ít vết thương hơn trong những năm tham gia chống tham nhũng kể từ năm 2001. Trên người bà Nguyễn thị Hòa có hàng chục vết sẹo do những kẻ xấu thủ ác liên quan đến việc chống tham nhũng của bà”. (RFA online ngày 20-9-2011)

Tham nhũng cũng như bệnh dịch, ai cũng sợ, ai cũng chống, nhưng người chống thật thì luôn lãnh phần thua thiệt, còn kẻ chống bằng mồm thì có lúc cũng vinh thân. Có ai tuyên bố chống tham nhũng có lực, có uy bằng thủ tướng, do vậy khi mới nhậm chức thì ông Nguyễn Tấn Dũng, hùng hùng hổ hổ tuyên bố lấy gân theo lời kể của cụ lão thành cách mạng Nguyễn Văn Bé trong bức tâm thư gửi TT Dũng và 14 vị Bộ chính trị, ông viết:

“Tháng 10-2006, ông Nguyễn Tấn Dũng nhậm chức thay ông Phan Văn Khải về hưu, tuyên bố:“Tôi kiên quyết và quyết liệt chống tham nhũng. Nếu tôi không chống được tham nhũng, tôi xin từ chức ngay”.

“Gần 5 năm nay, nạn tham nhũng chẳng những không chống được mà ngày càng phát triển, từ các cơ quan Trung ương xuống tận xã, phường, thôn ấp. Điển hình theo Ủy ban Kiểm Tra Trung ương vừa mới kết luận, tạm xử lý 45 trường hợp nổi cộm khắp toàn quốc khiến dư luận xã hội rất bất bình…

“Những bằng chứng như thế rõ ràng khẳng định ông Nguyễn Tấn Dũng đã không hoàn thành nhiệm vụ trong suốt 5 năm qua. Ông Dũng và toàn bộ 14 ủy viên BCT khác đã hoàn toàn không chống được tham nhũng. Vậy sao ông Nguyễn Tấn Dũng không tự nguyện làm đơn xin từ chức ngay như lời ông đã đoan quyết trước dân?” (Đối Thoại online ngày 15-7-2010)

Tham nhũng là vấn đề thâm căn cố đế từ thời đổi mới và nhất là trong chế độ cộng sản hiện tại, chúng ta hãy nghe sự nhận định của giáo sư Carlyle Thayer, nhà nghiên cứu về Việt nam lâu năm hiện làm việc tại Học viện Quốc phòng Úc cho biết nhận xét của mình:

“Đây là chuyện phải giải quyết và ông Nguyễn Tấn Dũng, tân thủ tướng đã chớp lấy thời cơ và có những biện pháp nhanh chóng trong đó có chuyện lập ra Ban chỉ đạo chống tham nhũng.

“Còn chuyện liệu cuộc chiến chống tham nhũng có thành công không thì tôi phải nói rằng trong một chính quyền độc đảng, bất kỳ quyết định chống tham nhũng nào cũng là những quyết định chính trị chứ không phải là quyết định khách quan dựa trên luật pháp, những phanh phui trên báo chí, những nhà báo điều tra độc lập hay hệ thống tòa án. Khi mà đảng cộng sản còn có thể can thiệp vào bất cứ cấp chính quyền nào thì những quyết định về chống tham nhũng sẽ luôn mang tính chính trị cao”. (BBC online ngày 1-8-2006)

Một chuyện tiếu lâm thời đại mà ai nghe qua cũng phải nực cười, vì hưởng ứng với việc chống tham nhũng báo Thanh Niên đưa tin ông trưởng Trạm thu phí trên đường Bắc Thăng Long-Nội Bài đã ra lệnh cho nhân viên:

“Để ngăn chận tiêu cực xảy ra, từ ngày 15-4-2006 toàn bộ cán bộ, nhân viên của trạm phải khâu túi quần, túi áo lại đi làm”. Tờ Thanh Niên kể:

“Lúc đầu các nhân viên đều nghĩ ông trạm trưởng…đùa. Một số người gọi điện thoại đến các trạm thu phí khác của công ty Quản lý và Sửa chửa Đường bộ 234 (Cục Đường bộ) thì nhận được thông tin“sếp” bên đó cũng yêu cầu nhân viên phải khâu túi quần, túi áo đi làm!” (Báo Người Việt ngày 1-5-2006)

Vừa bắt đầu nhiệm kỳ một, thủ tướng Dũng giải quyết ngay một vụ án tham nhũng lớn, đó là vụ PMU 18, mà hai con sâu bự liên can là giám đốc Bùi Tiến Dũng và thứ trưởng bộ GTVT Nguyễn Việt Tiến. Bùi Tiến Dũng thì đang ngồi tù còn ông Nguyễn Việt Tiến sau 18 tháng bị tạm giam thì đùng một cái trắng án. 

Dư luận tỏ ra nghi ngờ thiện chí chống tham nhũng của thủ tướng Dũng, trước khi ông nhiệm chức thì những báo chí có phần thoải mái bươi ra nhũng vụ tham nhũng, nhưng từ khi ông chấp chính thì kẻ có tội lại được trắng án và báo chí lại bị “khớp mỏ”. Ngay cả hai phóng viên gọi là “cự phách” trong làng tin chống tham nhũng là Nguyễn Việt Chiến báo Thanh Niên và Nguyễn Văn Hải báo Tuổi Trẻ bị cho đi tù thế chỗ của người tham nhũng Nguyễn Việt Tiến. Thế là ông thủ tướng đã thay trắng đổi đen, đó là chiêu “tham nhũng chống” đầu tiên của thủ tướng Dũng cứu bồ, thật đáng “biểu dương” (?)

Trả lời đài BBC tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ nêu lên thắc mắc của mình như sau:

“…theo luật, việc xác định có tội hay không có tội thường diễn ra theo trình tự nhất định. Mỗi lần tạm giam để điều tra là ba tháng, dài lắm cũng chỉ gia hạn được bốn lần. Sau 12 tháng ông Nguyễn Việt Tiến phải được xác nhận có tội hoặc không có tội. Nhưng ông Tiến lại bị giam đến 18 tháng, cho thấy dấu hiệu ông không phải hoàn toàn vô tội…

“Việc ông Tiến trắng án là rất khó hiểu”. (Đối Thoại online ngày 2-4-2008)

Sự việc Nguyễn Việt Tiến bổng nhiên được trả tự do, điều đã làm cho luật sư Lê Công Định cũng nghi ngờ đặt câu hỏi “Phải chăng người ta nhạo báng công lý?” Ông Định viết:

“Tin cựu thứ trưởng bộ Giao thông Vận tải, Nguyễn Việt Tiến, bị cáo trong vụ PMU 18, được Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (VKSNDTC) đình chỉ điều tra và trả tự do khiến dư luận sững sờ…

“Giữa cơ quan điều tra trước đây và VKSNDTC hiện giờ ai đúng ai sai trong nhận định và kết luận về ba tội danh của Nguyễn Việt Tiến?” (Đối Thoại online ngày 2-4-2008)

Vai trò của người làm báo thời bấy giờ rất là đắc lực và quan trọng trong việc giúp nhà nước chống tham nhũng, tuy nhiên vì nhà nước toàn là những đảng viên và họ không có quyết tâm chống tham nhũng. 

Ông Klaus Rohland, Giám đốc Ngân hàng Thế giới ở Việt Nam, đã thắc mắc về vai trò của báo chí trong việc phanh phui các vụ án tham nhũng đã không được công; chỉ “được tội” mà thôi.(?)

“Báo chí đang đóng vai trò mạnh mẽ. Nếu bạn muốn giải quyết vấn đề, bạn phải tăng cường tính minh bạch và cho thảo luận công khai về vấn đề”.

“Tuy nhiên, tin từ trong nước cho biết gần hai tháng qua, hàng chục phóng viên bị cơ quan An ninh điều tra (Bộ công an) gọi lên thẩm vấn vì liên quan tới việc đưa tin về các vụ án tham nhũng tại Việt nam trong thời gian qua.

“Trong số này có người của các tờ báo lớn như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Lao Động, Tiền Phong, SàiGòn Giải Phóng, Người Lao Động và Pháp Luật Tp HCM”. (BBC online ngày 1-8-2007)

Biết chống tham nhũng là khó, nhưng ký gỉa Trương Minh Đức, người muốn “bẻ nạn chống trời” đã can đảm viết nhiều bài chống tham nhũng, bất công trên các báo Tiền Phong, Tuổi Trẻ, Kiên Giang…Và sau cùng là ông bị “tham nhũng chống” nên đã phải ra tòa lảnh án: 5 năm tù giam. Theo lời kể của luật sư Lê Trần Luật thì vì quá phẫn uất nên ông Trương Minh Đức đã hô to:

“Đả đảo cộng sản. Không công nhận phiên tòa hôm nay, bản án là vô lý, là phi nhân đạo. Đả đảo những người cộng sản tham nhũng”.

“Ảnh nói đến đây thì những người cảnh sát tư pháp ôm ảnh lại, lôi ảnh đi và bỏ ảnh vào cái xe của nhà giam rồi chở ảnh đi mất”. (RFA online ngày 23-7-2008)

Trong những năm qua chúng ta thấy những vụ án tiêu cực được phanh phui đa số đều do những nhà báo có lương tâm chức nghiệp đưa ra, nhưng cũng không ít những nhà báo này phải trả giá chua chát cho cái thiện chí của mình vì nhà cầm quyền CSVN thường hay muốn dán băng keo vào miệng những nhà báo này. Mới vừa đây, nhà báo Hoàng Khương của tờ Tuổi Trẻ vì hăng say trong nghiệp vụ chống tham nhũng nên đã mắc phải “lỗi sai sót trong tác nghiệp” trong khi đi tìm chứng cớ của một vụ tiêu cực của cảnh sát giao thông. Sau khi thu thập đủ dử kiện ông Khương viết hai bài “Đồng tiền xóa sạch hồ sơ” và “ CSGT giải cứu xe đua trái pháp luật” rất có giá trị , nhưng chẳng những không được khen mà còn bị tù 4 năm về “tội đưa hối lộ”.

Các blogger và nhà báo tự do đã đồng loạt ký bản lên tiếng bênh vực cho nhà báo Hoàng Khương và xác định:

“Hành động tác nghiệp của nhà báo Hoàng Khương là “can đảm, xứng đáng với đạo đức, danh dự và lương tâm của một nhà báo chân chính”. Bản lên tiếng khẳng định ông Hoàng Khương là nhà báo “đặt lợi ích của xã hội lên trên hết” và là một công dân có trách nhiệm góp phần phát triễn đất nước”. (RFA online ngày 20-9-2012)

Nhà báo Trần Quang Thành, người đã nghe lời “đảng” hăng say chống tham nhũng nên đã nhận hậu quả thê thảm để rồi ngày nay khi trả lời phỏng vấn của Pv Trà Mi của đài VOA,  ông kể lại những điều đã nói với ông Nguyễn Cơ Thạch như sau:

“Đảng kêu gọi chống tham nhũng thì em chống, thế nhưng em không ngờ. Em buồn là vì tin đảng, tin chính phủ mà thực hiện đúng theo đường lối của đảng thì cuối cùng đảng không bảo vệ mình mà hóa ra những kẻ gian manh lại được bảo vệ. Ân hận thì không ân hận, nhưng mà buồn vì mình hết lòng tin vào một chế độ, nơi mà mình gửi gắm vào đây tất cả những nhiệt huyết và thân phận của mình. Thất vọng”. (VOA online ngày 24-6-2012)

Trong phiên họp thứ ba của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội về việc phòng chống tham nhũng các đại biểu đã phát biểu như sau:

“Nếu phòng chống tốt thì tham nhũng sẽ giảm, song chưa ai dám nói là phòng chống tốt”. ông Trần Thế Vượng, Trưởng Ban Dân nguyện của QH, nhìn nhận. Theo ông, tỷ lệ tự phát hiện có tham nhũng hiện rất thấp.

“Đáng lưu ý, phần lớn các vụ bị phát hiện có hành vi tham nhũng lại chị bị xử lý hành chính. Thậm chí, ngay cả việc xử lý hành chính vẫn còn biểu hiện nương nhẹ hoặc không công bằng giữa các đối tượng cùng hành vi tham nhũng.“Cùng một hành vi vi phạm, anh chức nhỏ hơn thì bị cách chức, còn anh quyền to hơn thì chỉ bị phê bình, cảnh cáo. Chính vì nương nhẹ nên không đủ sức răn đe người tham nhũng”- ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ tịch QH, bức xúc”. (Người Lao Động online ngày 19-10-2007)

Báo điện tử ViệtNam Net đã dí dỏm viết bài “Tham nhũng: To bằng con voi, xử lý bằng con kiến”, có đoạn viết:

“Có những vụ việc to bằng con voi nhưng lại xử bằng con kiến làm người dân mất lòng tin. Mà đã không tin thì không muốn nói”.

“Tham nhũng trở thành hệ thống và nguyên nhân là do khe hở “sở hữu toàn dân”, cơ chế kiểm soát quyền lực chưa hiệu quả, xử lý chưa nghiêm…” 

“Đây là nhận định của nhiều đại biểu tham dự Hội thảo “Phòng chống tham nhũng đánh giá hiện trạng và xây dựng năng lực cho các tổ chức xã hội và người dân” do Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức ngày 4-12 tại Tp HCM”. (VietNamNet online ngày 5-12-2009)

Trong hội nghị giao ban về công tác phòng, chống tham nhũng khu vực phía Nam ngày 12-1-2008 tại Tp Sài Gòn, báo VietNamNet đưa tin:

“Năm 2007, cả nước phát hiện 504 vụ tham nhũng, nhưng không vụ nào do tổ chức đảng phát hiện. Có trường hợp tiêu cực ở Tổng công ty vật tư nông nghiệp bị tố cáo lên tố cáo xuống, nhưng đảng ủy đó vẫn đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh. Cần xem lại vai trò của các cấp ủy đảng trong đấu tranh phòng chống tham nhũng…

“Phó chủ tịch UBND tp Đà Nẵng Võ Duy Khương khẳng định: “Các cán bộ, đảng viên không dám đấu tranh vì không ai bảo vệ họ. “Cần có cơ chế bảo vệ không chỉ cá nhân đảng viên tố cáo tham nhũng, mà cả gia đình họ”. (VietNamNet online ngày 12-1-2008)

Lãnh đạo đảng cộng sản thì ông nào cũng tuyên bố chống tham nhũng, tuy nhiên họ nói vậy chớ không phải vậy, chính bà Bảy Vân, phu nhân cố TBT đảng CS Lê Duẫn có lần trả lời phỏng vấn của đài BBC về vấn đề tham nhũng, bà nói:

“Chống cái này chống cái kia” chỉ là hình thức thôi.

“Tuyên truyền chống tham nhũng, chỉ là nói miệng qua thôi”. (BBC online ngày 27-12-2008)

Sau sáu năm ở ngôi vị thủ tướng, Nguyễn Tấn Dũng đã không làm tròn lời hứa chống tham nhũng nên đảng CSVN “rút còi” để ông ta không còn vừa thổi vừa đá nữa nên ông ta đã “luyến tiếc, bịn rịn” không giao còi vì rồi đây lấy gì bảo vệ “ngai vàng” và gia tư!?

“Tại hội nghị Trung ương 5 khóa XI bế mạc hôm 15-5, Ban chấp hành Trung ương đảng CSVN đã thống nhất về chủ trương thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ chính trị. Theo đó, ban này sẽ trực thuộc BCT và Tổng bí thư làm trưởng ban; đồng thời sẽ lập Ban Nội chính Trung ương, vừa thực hiện chức năng một ban đảng, đồng thời là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng”. (BBC online ngày 22-8-2012)

Thủ tướng Dũng đã bị “giựt còi” giao cho Tổng bí thư đảng CSVN, nhưng rồi ông Hoàng Mai không dấu được sự nghi ngờ qua bài viết “Liệu đảng có thật lòng chống tham nhũng?”

“Muốn biết đảng có thật lòng chống tham nhũng hay không, nhân dân ta hãy đợi xem, vị Tổng tư lệnh PCTN, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, sẽ xử lý như thế nào với “bộ phận không nhỏ”các quan ăn đất ở Hải Phòng”. (Bauxite Việt Nam online ngày 20-5-2012)

Muốn biết đảng CSVN có thực lòng chống tham nhũng hay không thì hãy nhìn lại cách giải quyết vụ bê bối ở tập đoàn Vinashin thì sẽ rõ. Sự sai phạm của tập đoàn Vinashin làm thiệt hại 907 tỷ đồng (Người Lao Động online ngày 27-9-2011), có hơn 10 con sâu đã ngồi tù và 2 tên còn đang trốn chạy ra nước ngoài ấy vậy mà:

“Theo ông Nguyễn Sinh Hùng thừa nhận, chính phủ, thủ tướng và một số thành viên trong chính phủ đã phạm sai lầm trong vụ Vinashin. Nhưng, Bộ chính trị đảng CSVN đã thảo luận và bỏ phiếu về việc có nên kỷ luật hay không. Căn cứ theo kết quả bỏ phiếu, “BCT quyết định không xử lý kỷ luật đối với các tập thể và cá nhân”, yêu cầu nghiêm túc tự phê bình, rút kinh nghiệm, tiếp tục chỉ đạo tái cơ cấu tập đoàn Vinashin”. (RFI online ngày 21-3-2011)

Vì đảng CSVN có tính cách lấp liếm, bao che cho nên đại biểu Huỳnh Ngọc Sơn, Phó chủ tịch Quốc hội bức xúc phát biểu, Nhóm Phóng Viên viết lại như sau:

“Có đồng chí lãnh đạo bảo: “kỷ luật nhiều quá thì người đâu mà làm việc?”. Điều này để lại dư âm nặng nề trong cử tri. Vụ Vinashin chẳng hạn – không kỷ luật ai cả”. (Bauxite Việt Nam online ngày 25-3-2011) 

Như thế, nhà báo Phạm Đình Trọng đã vạch rõ chân tướng của những người lãnh đạo đảng CSVN như sau:

“Tất cả câu nói của các ông ấy đều là mị dân, vuốt ve thôi chứ không thật lòng. Không khi nào các ông ấy nói thật lòng. Nói thế nhưng khi thực hiện thì các ông ấy làm ngược lại. Bây giờ chờ là chờ Ban chấp hành trung ương họ họp để kiểm điểm sau nghị quyết 4 để xem họ có dám làm hay không. Trước đây nói là “cả một bầy sâu” đó chỉ là để mở mắt nhìn cái thực tế nó như thế, nhưng cả bầy sâu ấy nó vẫn đang hoành hành, đang kéo bè kéo cánh chứ có chuyễn biến gì đâu”. (RFA online ngày 4-7-2012)

Bản chất của chính quyền cộng sản chỉ là lừa dối, họ cũng “Phê chuẩn Công ước chống tham nhũng” như ai vậy. Chính chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký Công ước Quốc tế về Chống tham nhũng, nhưng, lại là một chữ nhưng, thế là ký cũng như không!

“Tuy nhiên, theo Quyết định phê chuẩn ngày 30-6-2009 của chủ tịch nước thì Việt Nam không chịu sự ràng buộc và cũng không áp dụng trực tiếp các quy định hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp của Công ước…

“Bên cạnh không áp dụng quy định hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp, Việt nam còn bảo lưu không áp dụng các quy định về giải quyết tranh chấp và dẫn độ của Công ước”. (BBC online ngày 3-7-2009)

Người ta ai cũng biết, chống tham nhũng chỉ nhờ báo chí và nhân dân chớ đảng có bao giờ tự khui hủ mắm của mình đâu, họ chuyên môn ém nhẹm để xử lý nội bộ bao che cho nhau thôi cho nên chúng ta hảy nghe cựu đại tá QĐND Phạm Quế Dương kể chuyện ông và giáo sư Trần Khuê làm đơn xin lập hội giúp đảng chống tham nhũng kết quả ra sao:

“Từ năm 2001, nhà nước này coi tham nhũng là quốc nạn, là giặc nội xâm nên kêu gọi nhân dân tham gia chống tham nhũng. Nhân ngày Quốc khánh mồng 2 tháng 9 năm 2001 anh em đến ăn cơm nhà tôi và rất vui, cùng đề nghị làm ra hội chống tham nhũng để ủng hộ nhân dân Việt nam và nhà nước chống tham nhũng. Theo yêu cầu của ông Nguyễn Minh Triết, lúc đó là bí thư của Sài Gòn, anh Trần Khuê và tôi viết đơn, hai người ký và gởi đi. Nhưng sau đó cả hai đều bị bắt ngồi tù 19 tháng cho nên vấn đề chống tham nhũng ở Việt nam phức tạp lắm, chứ không đơn giản đâu”. (RFA online ngày 24-6-2010)

Qua bao nhiêu thăng trầm trong việc phòng chống tham nhũng đã giúp cho nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh có được một cái nhìn sâu sắc và một kết luận vững vàng qua sự trải nghiệm thực tế rằng:

“Không thể nào chối cãi tình trạng tham nhũng càng lúc càng nghiêm trọng như hiện nay là do hệ thống đầy lỗi nầy tạo ra. Một hệ thống nhà nước mà ba quyền không phân lập, tất cả đều nằm trong tay của đảng kể cả đệ tứ quyền là quyền tự do ngôn luận của người dân thì không thể nào không đẻ ra tham nhũng…

“Tất cả những lời kêu gọi hoặc hứa hẹn chống tham nhũng của các vị lãnh đạo cao cấp của đảng đưa ra đều có tính mị dân vì không thể nào đứng trong hệ thống này mà chống được tham nhũng”. (Dân Luận online ngày 15-7-2012) 



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo