Cái giá phải trả khi giỡn mặt với kinh tế thị trường - Dân Làm Báo

Cái giá phải trả khi giỡn mặt với kinh tế thị trường

Huỳnh Ngọc Chênh - ...Có lẽ tốt nhất là nhận tiền cứu giúp từ quốc gia không yêu cầu về các điều kiện đó. Trung cộng. Lịch sử cho thấy "người bạn lớn" nầy chưa bao giờ cho không VN một cái gì. Hay là vì vậy mà người bạn ấy càng ngày càng trở nên ngang nhiên trong việc chiếm đoạt biển Đông? Nhiều người cho rằng, người bạn lớn xác ấy rất ngu khi ngang nhiên vẽ đường lưỡi bò vào hộ chiếu. Không. Họ không hề ngu, họ luôn thận trọng trong việc xâm lấn nầy. Họ biết chắc nắm được biển Đông trong tay rồi nên họ mới cho vẽ đường lưỡi bò ấy cũng như chính thức công bố bản đồ thành phố Tam Sa bao gồm cả Hoàng Sa, Trường Sa của VN và hầu như gần hết biển Đông. Mất biển Đông là mất nước. Cái giá quá đắt...
*

Đến khi người dân cùng kiệt vì thiếu đói thì nhà nước mới hiểu ra rằng cần phải quay về với kinh tế thị trường và sự thay đổi nầy đã giúp cho người dân được cởi trói, hồ hởi bung ra làm ăn. Bộ mặt đất nước từ đó thay đổi. 

Nhẽ ra phải nương theo đà đi lên ấy mà tiếp tục thay đổi và hoàn thiện để phù hợp với cơ chế mới thì nhà nước lại muốn quay lại cỡi lên để "định hướng" thị trường.

Nhưng kinh tế thị trường có quy luật vận hành riêng của nó. Để kiểm soát được nó cần phải có sự am hiểu và kinh nghiệm dày dạn qua hàng trăm năm sống chết trong nó, qua bao lần điêu đứng vì nó bởi khủng hoảng như Mỹ và các nước tiến tiến đã trải qua.

Nhà nước ta mới chân ướt chân ráo làm quen với cơ chế đã hình thành nên từ bao đời nay của nhân loại đã vội vã đòi khống chế hoàn toàn nó bằng cái đuôi "định hướng xã hội chủ nghĩa" đầy hoang tưởng và mơ hồ. Giống như một anh chàng ẻo lã mới lần đầu tiên sờ vào ngựa đã đòi cỡi lên khống chế ngựa bất kham.

Vì cái đuôi "định hướng" đó mà phải cho rằng kinh tế quốc doanh là chủ đạo: các Vina quả đấm thép ra đời.

Vì cái đuôi "định hướng" đó mà toàn bộ tài nguyên, khoáng sản và đặc biệt là đất đai đều thuộc sở hữu nhà nước (che đậy dưới danh nghĩa sở hữu toàn dân) nghĩa là thuộc toàn quyền, và có thể nói là độc quyền, khai thác và kinh doanh của các Vina nói trên, sau nầy chia thêm cho các nhóm lợi ích phát sinh ra.

Vì cái đuôi "định hướng" đó mà toàn bộ nguồn vốn kể cả vốn huy động của xã hội đều được nhà nước nắm giữ trong tay rồi muốn phân cho ai thì phân.

Từ đây, những hệ lụy phát sinh:

- Do được ưu đãi hoặc độc quyền làm ăn nên các Vina dễ làm bậy để đưa đến thua lỗ triền miên và phát sinh ra nhũng lậu.

- Để chống thất thoát và nhũng lậu lại xây dựng ra bộ máy chống tham nhũng quá sức to lớn, tốn kém,(nhưng không bao giờ hiệu quả), thu hút tiền vốn và sức lực đáng kể vào đó thay vì dành toàn bộ cho sản xuất làm ăn.

- Vì đất đai thuộc sở hữu nhà nước nên giá đất được định đoạt theo chủ quan không theo cơ chế thị trường, rồi muốn thu thì thu, muốn giao cho ai thì giao, từ đó phát sinh ra việc kinh doanh đất đai là món béo bở, thu hút sự đầu tư của các vina, kể cả các vina không liên quan gì đến lĩnh vực nhà đất, thu hút đầu tư các doanh nghiệp tư nhân có quan hệ mật thiết với quan chức nhà nước gọi là nhóm lợi ích. 

- Các vina được ưu tiên vốn vay của ngân hàng, các nhóm lợi ích cũng được ưu tiên vốn vay của ngân hàng. Hầu như toàn bộ nguồn vốn của ngân hàng đều tập trung vào 2 bộ phận nầy nên các doanh nghiệp làm ăn sản xuất khác không còn cơ hội tiếp cận nguồn vốn, hoặc nếu có tiếp cận được thì cũng rất ít mà chi phí quá cao do lãi suất cộng với phí bôi trơn cao. Sản xuất toàn xã hội đình trệ.

- Nguồn vốn to lớn của xã hội tập trung vào hai kênh chính là các vina và nhóm lợi ích để hai kênh này dẫn toàn bộ chảy vào hai vùng trũng tưởng dễ kiếm ăn là chứng khoán và nhà đất. Hai thị trường ấy được bơm lên căng phồng, các vina và nhóm lợi ích đặc quyền ấy kiếm ăn vào khoảnh khắc ngắn ngủi nầy, chính là ăn vào vốn vay từ ngân hàng cho đến khi nguồn tiền ấy cạn kiệt, cả hai thị trường đều xệp xuống và xì hơi mạnh đến bẹp dí như hiện nay. 

Vốn bốc hơi theo chứng khoán, vốn chôn vùi vào đất, vốn chảy vào túi tham ô, vốn thất thoát do làm ăn hoang tưởng... Nhà nước nợ nần, ngân hàng cạn tiền, các Vina và các nhóm lợi ích ngập trong biển nợ. 

Nhà nước nợ đến 129 tỉ USD (trong khi GDP chỉ đạt 122 tỉ), các vina sụp đổ, các nhóm lợi ích đang khốn đốn, ngân hàng đứng bên bờ vực, sản xuất đình trệ, nhiều doanh nghiệp phá sản, lạm phát tăng cao, người lao động thất nghiệp hàng loạt...

Cơ chế thị trường đã quật ngược lại một đòn hiểm ác vào kẻ đòi cỡi lên lưng nó để bỡn cợt với định hướng nầy, định hướng nọ.

Vĩ thanh

Làm sao để cứu vãn tình hình bi đát nầy?

Nhận tiền cứu giúp của quốc tế? Dễ thôi, nhưng phải minh bạch chi tiêu từ trước đến nay và trong tương lai, phải tôn trọng các quy luật thị trường và chưa nói là phải kèm theo điều kiện về nhân quyền. Những yêu cầu ấy dễ cho các nước khác nhưng e rằng không dễ đối với nhà nước đang đòi cỡi lên cơ chế thị trường bằng "định hướng XHCN".

Có lẽ tốt nhất là nhận tiền cứu giúp từ quốc gia không yêu cầu về các điều kiện đó. Trung cộng.

Lịch sử cho thấy "người bạn lớn" nầy chưa bao giờ cho không VN một cái gì. 

Hay là vì vậy mà người bạn ấy càng ngày càng trở nên ngang nhiên trong việc chiếm đoạt biển Đông?

Nhiều người cho rằng, người bạn lớn xác ấy rất ngu khi ngang nhiên vẽ đường lưỡi bò vào hộ chiếu. Không. Họ không hề ngu, họ luôn thận trọng trong việc xâm lấn nầy. Họ biết chắc nắm được biển Đông trong tay rồi nên họ mới cho vẽ đường lưỡi bò ấy cũng như chính thức công bố bản đồ thành phố Tam Sa bao gồm cả Hoàng Sa, Trường Sa của VN và hầu như gần hết biển Đông.

Mất biển Đông là mất nước. Cái giá quá đắt.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo