Ngắm tranh trong khi đại tiện - Dân Làm Báo

Ngắm tranh trong khi đại tiện

Phạm Ngũ (Blog Phuocbeo) - Cách đây mười mấy năm, trong nhà tôi có treo một bức tranh. Bức tranh treo trong phòng vệ sinh để mỗi khi vào đó tôi có thể vừa trút bầu tâm sự, vừa ngẫm nghĩ tìm hiểu làm sao có thể có một sự việc lạ và khó hiểu như vậy, tuy rằng trút bầu tâm sự là một nhu cầu sinh học tự nhiên của thể xác, hoàn toàn không liên can gì tới sự vận hành phức tạp của tư tưởng. Bức tranh gồm có hai tờ giấy bạc 30 đồng của nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam in năm 1981 và 1985. Từ khi có bức tranh, tôi hay suy nghĩ và thỉnh thoảng cứ nấn ná thêm vài giây trong phòng vệ sinh (là chỗ đáng lẽ không nên ở lâu, nhưng quả tình tôi không biết treo bức tranh này nơi nào khác trong nhà). 

Điều băn khoăn của tôi là người ta sẽ xếp bao nhiêu tờ 30 đồng để được một xấp có giá trị chẵn 100, hay 1000, hay 1 triệu... trong hệ thống thập phân cho thuận tiện với công việc của ngành ngân hàng, tài chính, hay mọi sinh hoạt liên quan đến tiền bạc. Đôi khi tôi suy luận: nguyên do là, khoảng đầu thập niên 1980, nền kinh tế của nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam chịu sự chỉ đạo của một nhà thơ cấp trung ương quyền năng bao trùm trời đất. Và khi nhà thơ đi làm kinh tế thì chuyện gì cũng có thể xảy ra theo trí tưởng tượng phong phú vốn có của các nhà thơ nói chung, và tờ 30 đồng là biểu hiện cụ thể của tài năng về mặt chính sách kinh tế của nghề làm vè cổ động của nhà thơ này nói riêng. Và chẳng những một lần rồi thôi, hai tờ giấy bạc phát hành cách nhau bốn năm, có lẽ không ai trong bộ máy nhà nước đả động gì đến cái mệnh giá vượt ngoài sức tưởng tượng của nó. Hay thiên hạ biết mà mặc kệ, vì chẳng tội vạ gì nói ra nói vào, làm phiền lòng nhà thơ quyền uy lẫm liệt, để rồi có ngày mang lụy! 

Một anh bạn gốc Miến Điện rất tếu táo của tôi kể rằng bên xứ anh hồi cuối thập niên 1980 cũng phát hành tờ giấy bạc 3 đồng. Tôi nhờ anh này tìm cho những tờ bạc đó để có bằng cớ chứng minh rằng trong cõi thế gian rất nhiều chí lớn gặp nhau. Nhưng tôi ngờ rằng anh ta chỉ ba đía, ba xạo, nói cho vui trong đám bạn bè, vì anh ta cứ khất lần chẳng thấy đưa. Rồi từ đó mỗi ngày tôi ngắm bức tranh của nền cộng hoà xã hội chủ nghĩa vài lần, tùy theo bụng dạ có óc ách hay không. Nhiều khi tôi cứ ngẩn người ngồi ngắm tranh và suy nghĩ, quên mất nhiệm vụ hiển nhiên khi vào phòng vệ sinh. Bức tranh dường như ngày càng trở thành một mối ám ảnh không ổn và bất lợi cho bộ máy tiêu hoá. 


Một người bạn lớn tuổi thấy tôi cứ nhùng nhằng như thế nên anh í tội nghiệp, và cũng có ý để tôi bớt ở lâu trong phòng vệ sinh, nên đã tìm ra một lý do rất thuyết phục cho sự việc tờ giấy bạc 30 đồng như sau: “Thì khi tao đi chợ mua món hàng 70 đồng, tao đưa 100 đồng, người bán hàng thối lại một tờ 30 đồng chẵn chòi, tiện lợi, khỏi cộm túi chứ sao”. Eureka! Có lẽ ông Archimedes khi thấy ông ấy nổi lềnh bềnh trong bồn tắm để trở thành nhà vật lý đại tài cũng chưa chắc đã hạnh phúc như tôi sau khi nghe bạn mình lý giải. Vì thế tôi đặt tên cho bức tranh trong phòng vệ sinh của mình là “...Trí tuệ”, với đầy đủ hai dấu ngoặc kép và ba dấu chấm. 

Nếu câu chuyện đến đây là chấm hết thì cũng chẳng có gì. Nhưng cuộc sống không đơn giản và thường có những thứ lắt nhắt làm mất vui. 

Một hôm, một anh bạn khác đến chơi và cũng cần trút bầu tâm sự. Sau khi thoải mái xong, anh bước ra tưởng rằng vẻ mặt hớn hở, nhưng té ra rất nghiêm trọng và bảo tôi: “Mày là CS!” Khi ấy trời long đất lở, núi St. Helens phun lửa, cơn bão Katrina đổ ập vào, lốc xoáy nhổ tung những cây đại thụ trong công viên quốc gia, sóng thần dâng lên ngập kinh đào Panama và kinh đào Suez, tháp Eiffel nghiêng ngửa như tháp Pisa. Sau khi định thần, nghĩa là thấy trời đất yên tĩnh trở lại, tôi bèn hỏi anh bạn công an chính trị không nhiệm sở nhưng có mặt khắp xó mọi nơi trên thế giới: Vì sao có chuyện kinh khủng như thế? Anh ấy phán: “Treo hình... trong nhà có nghĩa mày là CS”. Tuy hiểu chữ CS rất khác với anh bạn thánh sống toàn trí toàn năng này, nhưng tôi biết anh ta muốn nói đại khái rằng tôi là một thứ xấu xa ghê tởm lắm. Tôi cảm thấy nghẹt thở, vội vàng vào phòng vệ sinh rửa mặt cho tỉnh táo lại, và khi nhìn lên thì đúng thật, trời ơi: Tôi treo hình... trong nhà! Không những một, mà những hai tấm hình. Từ đó tôi cất bức tranh đi để cuộc sống bớt ngột ngạt. 

Nhưng thỉnh thoảng lại lôi ra ngẫm nghĩ. 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo