Nhà mới nhưng trong đó là 'đảng biểu’ hay ‘dân biểu’? - Dân Làm Báo

Nhà mới nhưng trong đó là 'đảng biểu’ hay ‘dân biểu’?

Bùi Tín (VOA) - Thế là Quốc hội Việt Nam đã có trụ sở mới to lớn, sau 5 năm chuẩn bị và xây dựng. Chưa quyết toán là bao nhiêu nghìn tỷ đồng. Ngày 6/10 Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên đầu tiên tại trụ sở mới trong hội trường nhỏ mang tên Tân Trào; ngày 20/10 phiên toàn thể kỳ thứ 8 khóa XIII họp trong hội trường lớn mang tên Diên Hồng.

Tổng diện tích trụ sở mới rộng 60.000 mét vuông, cao 39 mét, có đường hầm xuyên sang trụ sở Bộ Ngoại giao, xưa là Sở Tài chính thời Pháp thuộc. Ngôi nhà hình vuông, mái giữa hình tròn, có 5 tầng nổi và 2 tầng hầm. Ngoài Hội trường lớn 2 tầng, 600 chỗ ngồi, hội trường nhỏ 200 chỗ, còn phòng họp báo 1 trăm chỗ và 80 phòng họp nhỏ.

Ngoài ra còn tầng ngầm đỗ xe, thang cuốn và thang máy, khu trưng bày di tích trụ sở Quốc hội cũ, khảo cổ học, hệ thống chiếu sáng, âm thanh, truyền hình, điều hòa nhiệt độ, thông khí, phòng cháy, cấp cứu.

Ngay từ buổi khai mạc trụ sở Quốc hội mới từ trong nước đã có những ý kiến vui buồn lẫn lộn. Vui thấy trụ sở mới hoành tráng, bề thế, hiện đại, 2 mặt hướng ra đại lộ Độc Lập và Bắc Sơn, có 2 phòng họp mang tên Tân Trào, Diên Hồng lịch sử, kiến trúc chung nhìn từ trên cao xuống hình vuông với mái tròn, tượng hình của Trời tròn Đất vuông - thiên thời địa lợi, cũng mang hình tượng dân dã bánh chưng và bánh dày.

Thế nhưng có những nỗi buồn sâu đậm. Ngay từ trước hôm khai mạc, bà con công dân thủ đô và các tỉnh đổ về để thực hiện quyền công dân yêu cầu, đề nghị, chất vấn Quốc hội về cuộc mật đàm Thành Đô 25 năm trước, về đất đai bị “thu hồi”, về quyền tư hữu ruộng đất vốn tồn tại tự ngàn xưa, về các vụ án oan, công dân chết và bị đánh dã man trong các đồn công an… đều bị ngăn chặn, xua đuổi rất thô bạo. Các trụ sở tiếp dân đều khóa cửa, gần như thời thiết quân luật. Một chính quyền tự nhận là của dân, do dân, vì dân, một Quốc hội của dân, do dân, vì dân mà xử xự như thế?

Còn ngay ở trong Quốc hội, các nhà báo chen chân khó lọt, không có chỗ ngồi để tác nghiệp, phải ngồi bệt xuống đất trong khi các ghế của đại biểu thì cao rộng, được khoe rằng phải đặt hàng tận bên Tây Ban Nha chở về. Đây là nét đáng buồn cho con người và đất nước VN. Sao không tự làm nổi chiếc ghế ngồi họp cho Quốc hội nước nhà, lại phải nhập xa xôi đến vậy. Chả trách có nhận xét rằng nền công nghiệp VN chưa làm nổi một con ốc vít hiện đại đúng tiêu chuẩn! Chiếc ghế thì như thế, còn hình Quốc huy trong hội trường lớn là điểm trung tâm của cả tòa nhà lại bé nhỏ lúi xùi, bằng gỗ sơn, lẽ ra phải bằng đá quý và bề thế, cân đối.

Nhưng vấn đề mấu chốt quan trọng nhất hiện nay là ở trong tòa nhà chung, tòa nhà của cộng đồng dân tộc VN, như ngôi nhà Rông của cộng động mỗi dân tộc Tây Nguyên, phải là các đại diện xứng đáng, chân chính, thật sự là con người của cộng đồng, đại diện cho cộng đồng, tinh hoa của cộng đồng, tận tụy phục vụ cộng đồng, được cộng đồng xem xét kỹ, cân nhắc lựa chọn kỹ, bằng lá phiếu tự do của từng công dân. Thật là mỉa mai khi chính trong phiên họp này, Quốc hội thông qua đạo Luật về tổ chức của Quốc hội, tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, nhưng không có gì cải tiến so với trước.

Quốc hội khóa này có đại biểu Quốc hội tự nhận là trí thức, giáo sư, lại chửi bới đồng viện của mình là “ngu, thậm ngu”, còn công khai tự nguyện làm cố vấn cho tên độc tài sát nhân Saddam Hussein; có đại biểu đi quốc tế về khoe rằng tận mắt thấy tàu hỏa cao tốc có rất đông các bà nội trợ đi chợ (!), các học sinh đi học hàng ngày (!). Cứ như thật.

Lại có đại biểu xin nghỉ hẳn một phiên họp Quốc hội vì bận xuất ngọai dự buổi trao bằng cho cậu quý tử sắp tốt nghiệp (!). Trong đầu óc đại biểu này lợi ích cá nhân gia đình chiếm trọn chỗ, còn có tý chút nào cho tập thể, cho cộng đồng? Thật tội nghiệp!

Tôi đã vào dự thính họp Quốc hội khá nhiều nước, nhiều nhất là Pháp, Hoa Kỳ, Bỉ, Hà Lan, Canada, cả Philippines, Ấn Độ, Indonesia, Angeria, Ethiopia, Zimbabwe, rồi Argentina ở Nam Mỹ nữa. Tôi mở to mắt khi dự họp quốc hội ở Paris, Washington D.C., Ottawa, New Delhi, rồi hỏi chuyện các đại biểu và người dân thường. Vị trí xã hội của dân biểu lớn lắm, vinh dự lắm mà trách nhiệm, gánh nặng cũng cực lớn. Người dân khi có chuyện riêng là nghĩ ngay đến “ông” hay “bà dân biểu của tôi”. Họ quen coi người đại biểu sau khi họ bỏ phiếu và trúng cử là người nhà của mình. Con cái học hành, vào đời, chọn nghề, kinh doanh thuận lợi, khó khăn, có vụ kiện cáo gì… là họ gọi điện, gõ cửa hỏi ý kiến “dân biểu của mình”. Các dân biểu cũng gọi bà con trong vùng mình đại diện là “cử tri của tôi”, “vùng cử tri của tôi”. Có chuyện gì lớn xảy ra trong vùng là các đại biểu vùng đó quan tâm ngay, có khi có mặt ngay để tìm hiểu, tham gia giải quyết. Tai nạn, cháy nhà, lụt lội, bãi công, thất nghiệp, bệnh truyền nhiễm lây lan, môi trường… luôn là mối quan tâm thường xuyên của các dân biểu và tiếng nói của họ trong xã hội trên báo chí, truyền hình, cơ quan chính quyền luôn có trọng lượng. Đức tính đầu tiên quan trọng nhất của một dân biểu là tính tận tụy cho cộng đồng, phục vụ cộng đồng, là người sống vì cộng động, sống cho cộng đồng, do đó phần lo riêng cho cá nhân mình là tự nguyện giảm bớt, hy sinh vì lợi ích chung.

Việc ứng cử đề cử trong các cuộc bầu cử định kỳ là rất hệ trọng. Từ các đảng phái, hội nghề nghiệp, từ các giới sỹ nông công thương, tổ chức xã hội dân sự đề xuất, giới thiệu, trao đổi, sàng lọc đi lại nhiều lần mới lựa chọn được người đạt tiêu chuẩn, vì người tốt thường kín đáo, khiêm tốn, không ham danh vọng quyền lợi cá nhân. Cử tri có quyền bãi nhiệm dân biểu do mình bầu ra khi đại biểu đó tỏ ra bất xứng, vô trách nhiệm hay phạm pháp. Rõ ràng dân biểu nghị sỹ là nhân vật trung tâm của xã hội dân chủ.

Ở Việt Nam đã thành nếp, cố tật, là ban Tổ chức Trung ương đảng là nơi quyết định lên danh sách chọn toàn bộ Ban Chấp hành trung ương đảng, Ban Chấp hành Trung ương Mặt trận Tổ quốc, toàn bộ đại biểu Quốc hội – mà 90% là quan chức đảng viên CS.

Vậy thì gọi là “đảng biểu” hay “dân biểu”? Cách tuyển chọn như thế làm sao tìm cho ra, cho đúng nhân tài!

Các nước hiện đại có cả một nền văn hóa của giới dân biểu, đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Những cẩm nang cho dân biểu, tiêu chuẩn mẫu mực cho dân biểu, hồi ký các dân biểu gương mẫu, sáng tác văn học nghệ thuật của giới dân biểu… là tài sản chính trị - văn hóa của đất nước. Một dân biểu Pháp hay viết báo tâm sự với tôi, là dân biểu phải học không mỏi mệt, mọi ngành, trước hết là luật pháp vì Quốc hội là ngành lập pháp, còn cần am hiểu tâm lý, xã hội, am hiểu cả về kinh tế kinh doanh, lại phải biết về quan hệ đối ngoại, về sư phạm, về kỹ thuật truyền thông…

Trụ sở mới Quốc hội VN hoành tráng là điều đáng mừng. Mong rằng trụ sở mới sẽ là ngôi nhà chung mở rộng cửa cho nhân dân vào ra, là không gian mở rộng hơn bất cứ dinh thự nào khắp cả nước, là nơi đón nhân dân vào tham quan, dự các cuộc họp, là nơi giới báo chí tự do trong ngoài nước đến tác nghiệp thoải mái.

Đáng mừng hơn nữa là nếu như trong ngôi nhà cộng đồng này sẽ chỉ có toàn những con người của cộng đồng, là tinh hoa thật sự của cộng đồng, cúc cung tận tụy cho cộng đồng, là “dân biểu” thật sự chứ không phải là “đảng biểu”, tự đảm nhận vai trò “cơ quan quyền lực cao nhất” của đất nước được ghi trong Hiến pháp, không có một cơ quan nào có quyền lực cao hơn, bảo vệ nền độc lập, chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải, thành quả phát triển được chia hợp lý cho toàn dân thụ hưởng.


Bùi Tín


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo