Bốn mươi năm: Chưa hết tháng Tư - Dân Làm Báo

Bốn mươi năm: Chưa hết tháng Tư

“Cái rìu thì quên nhưng thân cây luôn nhớ”[1] - Ngạn ngữ Phi Châu

Vietsoul:21 - …Những ý nghĩ vụng về bài viết “Bốn mươi năm: Vẫn một tháng Tư” [2]

Cách đây hai năm tụi tui có đọc bài “Tháng Tư, và bạn và tôi” của bà Nguyễn Thị Hậu viết cho “chúng tôi”, những người thuộc thế hệ “vùng biên” này. Chúng tôi đã viết bài “Tháng tư, nhớ và quên”[3] để đáp lời.

Năm nay, 40 năm hậu chiến, lại một cột mốc thời gian để đánh dấu. Cột mốc càng ngày càng dài hơn thì lòng người càng ngày càng quằn quại hơn nữa. Và bốn mươi năm sau chưa hết tháng Tư cho người bên ni và người bên nớ.

Trước hết, việc cá nhân hóa sự việc để giảm tầm quan trọng và so sánh khiên cưỡng trật đường rầy là hai lỗi ngụy biện trong lý luận.

Nghe nói thì lọt tai nhưng hoàn toàn sai. Hãy đọc xem:

“Còn người bị phụ tình, dù biết chẳng thể trông đợi điều gì khi người kia đã dứt áo ra đi, vẫn không chịu chấp nhận rằng, mình đã “thua” trong một cuộc tình. Vì vậy cứ trách móc, cứ hận thù, cứ giữ mãi trong lòng những đau đớn và rồi nuôi dạy con cái bằng chính những căm hận đớn đau.”[4]

Ngày “Thống Nhất” thì lẽ nào lại so sánh khiên cưỡng như một cuộc tình tan vỡ?

Ngày kết hợp hai miền Nam Bắc có thể so sánh như là một cuộc hôn nhân. Nhưng theo cung cách và phương tiện sử dụng để kết hợp hai miền thì có lẽ phải so sánh như là một cuộc cưỡng dâm rồi ép hôn.

Chẳng phải “Bên thắng cuộc” đã từng huyên hoang tuyên bố “Nhà Ngụy ta ở, vợ Ngụy ta lấy, con Ngụy ta sai”[5] như thế sao?

Sau một cuộc cưỡng dâm thì thủ phạm có thể quên, nhưng nạn nhân thì bao giờ cũng nhớ. Nó đã ghi vào người trên từng thớ thịt và tế bào. Rồi mỗi khi có một hành vi hoặc ngoại cảnh nào đó tác động thì ký ức lại tràn ngập, chèn ngạt cuộc sống.

Ai thì sao chúng tôi không biết. Chứ riêng chúng tôi thì không có lòng thù hận cá nhân người lính bộ đội hoặc cá nhân những người miền Bắc vào miền Nam công tác. Chỉ đến khi những tên công an phường, công an khu vực, cán bộ phường xách nhiễu, áp đặt chính sách độc tài, áp bức, thù hằn, o ép, nhồi sọ thì họ tạo ra lòng oán hận. Những người này là bộ mặt đại diện cho đảng csvn. Và lòng thù hận đảng csvn được thể hiện trực tiếp lên khuôn mặt này.

Chúng tôi không phải là nhà chuyên gia tâm lý để có một lời tư vấn cho nạn nhân rằng hãy quên đi, quên đi cái quá khứ chết tiệt ấy. Chắc chắn lời khuyên “quên đi” là câu nói mà nạn nhân không hề mong đợi để nghe.

“Một ông bác sĩ tâm thần người Do Thái nói với bà đồng nghiệp người Việt là ‘chiến tranh đã qua 35 năm rồi mà sao tụi bay vẫn còn nói tới nói lui hoài.’ Chị bạn tôi trả lời ‘chừng nào người Do Thái các ông không còn nhắc nhở đến Holocaust thì chúng tôi sẽ ngừng nói về cuộc chiến Việt Nam’ (when the Jews no longer talk about the Holocaust then we’ll stop talking about the Vietnam War). Một người Mễ đồng nghiệp khác cũng nói tương tự với chị và chị đã trả lời ‘khi nào ông nói với một thân chủ nạn nhân lạm dụng tình dục là hãy câm miệng và lo sống thì lúc đó chúng tôi sẽ không nói đến cộng sản đã đối xử với đồng bào chúng tôi như thế nào’ (until you tell your patient, a victim of sexual abuse, shut up, move on, then we will not talk about what they have done to our people.)”[6]

Khi nào thủ phạm vẫn thoái thác, lắc léo, và chối phăng thì nạn nhân vẫn ghi nhớ và đòi hỏi công lý nêu danh tội phạm. Người Armenia bị tàn sát bởi Đế chế Ottoman nước Thổ Nhĩ Kỳ một trăm năm sau vẫn nhớ và đòi hỏi đích danh.[7] Người Armenia không nề hà gánh nặng cả 100 năm để nêu tên tội phạm.

Nạn nhân không thể quên khi thủ phạm cưỡng dâm vẫn nhởn nhơ khoe khoang thành tích và cùng lúc lại chối phăng tội phạm.

Nạn nhân không thể quên khi thủ phạm vẫn sỉ nhục họ bằng cả lời nói và hành động.

Họ nói “Tôi nghĩ rằng sau chiến tranh, Việt Nam không có ngược đãi đối với mọi người. Bởi vì chính sách lúc ấy của nhà nước Việt Nam là chính sách hòa hợp dân tộc” , “Thế còn việc tập trung học tập hay cải tạo, tôi nghĩ đấy là để học cho nó rõ chính sách của nhà nước Việt Nam thời bấy giờ. Chứ không có nghĩa là một chế độ tù đầy.”[8]

Còn nữa, chưa hết.

“Chúng ta là người chủ đất nước, chúng ta đi lên thì không có lý gì bỏ rơi họ trong mặc cảm, tự ti. Họ đã ra đi trong suốt 40 năm qua và luôn mặc cảm, có những hận thù đối với đất nước.”, “Chúng ta đã tha thứ cho kẻ thù của chúng ta là đế quốc Mỹ, thực dân Pháp. Vậy tại sao họ dễ dàng tha thứ cho Mỹ, Pháp mà không nhìn nhận người anh em cùng một bào thai, cùng một dòng máu Lạc Hồng?”[9]

Riêng bà Nguyễn Thị Hậu có lời khuyên “Nếu luôn chỉ nhìn thấy một phía của quá khứ thì đâu còn đủ bình tĩnh để nhìn thấy hiện tại và tương lai chung của đất nước này.”

Lẽ thường thì không ai muốn ôm chặt một quá khứ, nhất là một quá khứ đen tối, đau thương để đắm chìm và chết ngộp vì phải chạm mặt phải sống lại nỗi niềm mất mát đau khổ cả. Tuy nhiên, quá khứ luôn được nhắc nhở tưởng niệm vì người Việt tị nạn hiểu thấm thía rằng nhớ, hận hay giận, tự nó, không phải là tâm lý bất thường bịnh hoạn cho dù xã hội và các luồng lực nỗ lực tuyên truyền, đặc biệt hướng về hòa hợp hòa giải kiểu bỏ rọ, muốn họ tự nghi ngờ và thấy kém kỏi để rồi tin vào như thế.

Hơn thế nữa, gần như đa số người Việt tị nạn lúc nào cũng hướng mắt về nước nhà để “nhìn thấy hiện tại”. Càng nhìn vào hiện tại thì họ lại thấy rõ hơn “tương lai chung của đất nước này”.

Ngoài cái vỏ bọc hào nhoáng, rỗng tuếch của công viên vui chơi, tượng đài hoành tráng, công thự nguy nga xây dựng từ tiền viện trợ, mượn nợ, kiều hối, tài nguyên thì bên trong mục rửa nền giáo dục, văn hóa, môi trường. Thời kỳ đồ đểu lên ngôi[10], thời kỳ con ông cháu cha, con cháu các cụ[11], công tử đảng sắp đặt độc quyền, độc đoán, độc hại làm chủ nhân đất nước.

Càng nhìn thì họ càng thấy không có một tương lai (sáng sủa) nào cho một đất nước trước họa tiêu vong.

Nạn nhân chỉ có thể quên đi và lo sống khi đã giải tỏa được tâm lý, tìm được niềm tin, và nhìn thấy tương lai. Nhưng người Việt luôn cảm thấy thế nào?

- Không giải tỏa được tâm lý do một mặt nhà cầm quyền csvn tung hê những từ rụng rún “khúc ruột ngàn dặm” trong kiều vận, nhưng mặt khác đảng và nhà cầm quyền csvn vẫn ra rả “ngụy quân”, “ngụy quyền” trên báo chí, trong sách giáo khoa, trong bảo tàng lịch sử “tội ác Mỹ – Ngụy”.

- Không tìm được niềm tin do những đối xử phân biệt theo chính sách lý lịch[12], hành hung, giam giữ tùy tiện những người hoạt động xã hội dân sự về dân quyền và nhân quyền[13], tiếp tục trù dập các tổ chức tôn giáo từ Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Phật Giáo Hòa Hảo[14] Nguyên thủy cho đến Hội Tin Lành Mennonite[15].

- Không thấy được tương lai vì dân oan[16] mất đất mất nhà không phương tiện mưu sinh, công nhân bị o ép bóc lột[17], sinh viên học sinh thất nghiệp phải đi làm ô sin, cửu vạn nước ngoài, làm gái mại dâm[18], người dân hết đường sống vì chủ trương chính sách sai trái tùy tiện[19], đất đai tài nguyên khắp nơi đất nước bị thế chấp, cho thuê nhượng vô tội vạ[20].

Bà Nguyễn thị Hậu hỏi: “Còn việc hoà giải giữa những người cùng một nước sao lại không bắt đầu từ mỗi người chúng ta? Không lẽ chống lại người ngoài hay hoà giải với người ngoài dễ dàng hơn làm lành với đồng bào mình?”

Câu hỏi này nó lại na ná với một câu phát biểu của ông Nguyễn Thanh Sơn, “Chúng ta đã tha thứ cho kẻ thù của chúng ta là đế quốc Mỹ, thực dân Pháp. Vậy tại sao họ dễ dàng tha thứ cho Mỹ, Pháp mà không nhìn nhận người anh em cùng một bào thai, cùng một dòng máu Lạc Hồng?”

Phải nói đến bao nhiêu lần để nhà cầm quyền csvn hiểu rằng giữa người dân ba miền và người Việt hải ngoại không cần ai hô hào hòa giải với nhau.

Đã có hàng chục ngàn chuyến bay chở người Việt hải ngoại về Việt Nam hàng năm. Đã có hơn 12 tỷ đô la kiều hối chuyển về bà con quê nhà để giúp đỡ xây dựng cuộc sống của thân nhân. Đã có bao nhiêu tổ chức thiện nguyện vô vị lợi, tổ chức tôn giáo bỏ công bỏ của để xây trường học, thư viện, bệnh xá, cầu đường, chùa chiền, nhà thờ giúp đỡ đồng hương hoạn nạn.

Dù cho đảng csvn có bắt thân nhân của họ và đất nước Việt Nam làm con tin trong cái rọ “Tổ quốc Chủ nghĩa Xã hội” thì người Việt tị nạn hải ngoại vẫn thăm nuôi với tình tự đồng hương và họ hòa hợp với nhau trong tình cảm thiêng liêng đó.

Nhiều gia đình, dòng họ có ông bà, chú bác, con cháu bên hai chiến tuyến đã chia sẻ những mất mát trong cuộc chiến. Thằng Tí thằng Tèo, anh Tám anh Tư, bà Bốn bà Bẩy, chị Hai chị Ba nếu có xích mích thì hàng xóm họ đã tự giải hòa hoặc nhờ người thông giải. Cá nhân họ có xích mích nhau không hòa giải được thì cũng chẳng ảnh hưởng gì đến ai ngoại trừ đương sự. Chuyện có lớn hơn thì nhờ pháp luật (cái này thì chưa chắc ở VN có sự xét xử công bằng vì luật ngầm phân biệt người “thân nhân tốt”, gia đình cách mạng, quan chức với đám phó thường dân hoặc “Ngụy”).

Nếu muốn nói tới hòa giải dân tộc thì phải nói là hòa giải giữa nhà cầm quyền và khối người dân Việt Nam qua những đại đại diện của các tổ chức chính trị, xã hội, hiệp hội thông qua những cơ chế và chính sách.

Nhưng Việt Nam là một nước độc tài toàn trị do đảng cộng sản nắm giữ hết quyền lực, và mọi tổ chức hội đoàn đều nằm dưới cái ô dù Mặt Trận Tổ Quốc hoặc là một cơ cấu ngoại vi của đảng. Ngay cả các tổ chức đúng ra là phi chính phủ (Non-Government Organization) cũng do chính phủ thành lập (GONGO – Government organized Non-Government Organizations) [21].

Thế thì nói hòa giải dân tộc trong một chế độ độc tài cộng sản là nói chuyện với đầu gối.

Chỉ có những quyền lực tương xứng thì mới đủ sức đàm phán, thương lượng, để hòa giải với nhau. Chứ như đám dân quèn chúng tôi thì làm gì nói chuyện hòa giải với đảng, nhà nước csvn. Cá nhân chúng tôi có yêu sách thì cũng chỉ làm dân oan “con kiến mà kiện củ khoai” hay lại phải “xin-cho”, “ơn đảng ơn chính phủ”.

Hòa giải qua nghị quyết 36, qua chỉ thị, qua tuyên truyền làm sao bưng bít được bụng dạ một bồ dao găm.

Hòa giải bằng kiểu cả vú lấp miệng em, miệng quan gang thép, sỉ nhục đối tượng!

Nguyễn Thanh Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phán: “Chúng ta là người chủ đất nước, chúng ta đi lên thì không có lý gì bỏ rơi họ trong mặc cảm, tự ti. Họ đã ra đi trong suốt 40 năm qua và luôn mặc cảm, có những hận thù đối với đất nước.”[22]

Không ai hận thù với đất nước cả ông ơi! Ông đừng đánh đồng “yêu tổ quốc (đất nước) là yêu chủ nghĩa xã hội (đảng cộng sản)” để ngụy biện và mạ lị người Việt hải ngoại.

Làm gì có ai mặc cảm hả ông? Ông chớ tự hào “đỉnh cao trí tuệ” với mặc cảm ếch ao làng để nói lời khinh thường một khối người dân Việt Nam lớn mạnh thành công ở hải ngoại.

Khi nào nhà cầm quyền csvn vẫn tiếp tục chính sách hòa giải hòa hợp kiểu con lợn bỏ vào rọ thì ngay cả những con heo ngu đần cũng phải eng éc bỏ chạy xa và “Nếu cái cột đèn biết đi nó cũng chạy”.

Muốn hòa giải với toàn dân trong và ngoài nước thì dễ ợt à. Vậy mà đảng ta “đỉnh cao trí tuệ” vẫn một kèn một trống hát khúc “tiến quân ca” trên con đường tới thiên đàng “xã hội chủ nghĩa”.

Thôi thì trên diễn đàn này tui mạo muội đề nghị các bước cụ thể và tích cực để hòa giải các khuynh hướng, nguyện vọng của toàn dân.

1. Loại bỏ điều 4 hiến pháp dành độc quyền cho đảng csvn trong chính trường.

2. Bãi bỏ chế độ đảng cử dân bầu. Tiến hành phổ thông bầu phiếu ở các cấp chính quyền. Bảo đảm cho người dân với mọi xu hướng chính trị thành lập đảng phái tham gia chính quyền.

3. Chấm dứt chế độ hộ khẩu với kiểm tra hộ khẩu sách nhiễu người dân vi phạm quyền hiến định của công dân.

4. Chấm dứt chính sách lý lịch đối xử phân biệt.

5. Chấm dứt việc dùng ngôn từ xúc xiểm đến quân dân cán chính VNCH như “Ngụy”, “Ngụy Quân”, “Ngụy Quyền”.

6. Phê chuẩn chính sách đối đãi thương phế binh VNCH tương tự thương binh QĐNDVN.

7. Trùng tu các nghĩa trang quân đội VNCH, nghĩa trang QĐNDVN. Yêu cầu Trung Quốc cải táng tất cả mộ phần binh lính của họ về nước và tái quy hoạch Nghĩa trang Liệt sĩ Trung Quốc tại Việt Nam thành những công trình phục vụ lợi ích công cộng cho người dân địa phương.

8. Loại bỏ hết những bài học giáo khoa các cấp từ phổ thông đến đại học xuyên tạc phỉ báng chế độ VNCH.

9. Loại bỏ môn học chính trị Mác-Lê, Tư Tưởng HCM.

10. Bảo đảm quân đội và các lực lượng vũ trang độc lập không đảng phái, không chính trị, không làm kinh tế.

11. Giải thể tổ dân phố, công an khu vực, dân phòng, các hội đoàn phường. Những thành phần chuyên xách nhiễu cư dân.

12. Giải tán các hội đoàn chuyên môn tổ chức bởi chính quyền, các Tổ chức phi chính phủ do chính quyền thành lập (Government organized Non-government Organization). Bảo đảm cho các hiệp hội thợ thuyền, chuyên môn, tương tế, tôn giáo, sở thích được thành lập và điều hành hoàn toàn độc lập và tự do.

Tụi tui ăn học ít nên chỉ biết vậy thôi. Mời bà con cô bác đề nghị những việc làm cụ thể để có được hòa giải hòa hợp dân tộc.

Vì sao đã bốn mươi năm vẫn một tháng Tư?


Chắc chắn không ai muốn vác trên vai một gánh nặng suốt cả trăm năm. Nhưng tại sao người Armenia vẫn sẵn lòng gánh nặng một sự kiện lịch sử 100 năm trước đây? Vì không ai gánh cho họ. Vì họ không muốn quên dù họ có thể quên.

Một khi ký ức mất đi thì dân tộc đó chết theo. Nếu như ký ức được ngụy tạo và bóp méo? Đó là điều tồi tệ nhất. Đó là thảm sát. (Silvanadan, “When memory dies”)

Riêng tụi tui không thể quẳng gánh (nặng) đi và lo sống (cho cá nhân) vì đây là một gánh nặng của dân tộc.

Nên bây giờ bốn mươi năm chưa hết tháng Tư.


© 2015 Vietsoul:21

__________________________________________

Chú thích:

[1] ‘The axe forgets; the tree remembers.’ – African Proverb
[3] “Tháng tư này, nhớ và quên”, Vietsoul:21
[4] Bài đã dẫn (2)
[5] Phát biểu của Nguyễn Hộ, Chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam TP HCM.
[11] ‘Con Cháu Các Cụ Cả’, Người-Việt
[21] Government Organized Non-government Organization (GONGO), wikipedia
[22] Bài đã dẫn (9)


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo