Huyền thoại một đất & nước? - Dân Làm Báo

Huyền thoại một đất & nước?

Năm xích lô (Danlambao) - Người bạn kể cho tôi nghe về một đất nước, nơi xa xưa đó người dân sống rất mộc mạc, chân tình, thân thiện với nhân loại và thiên nhiên. Họ sống thương yêu và đùm bọc nhau qua hơn bốn ngàn năm, gắn bó và cùng đấu tranh sinh tồn cho quê hương đất nước lẫn giống nòi dẫu gian nguy cơ hàn vẫn một lòng đoàn kết khi có ngoại xâm. Họ luôn thắm đượm tình nhân ái vị tha, dứt khoát với địch và độ lượng với ta, nên giữ được đất nước trước xâm lược phương bắc cho đến ngày... không hiểu là do thời gian thay đổi hay lòng người đổi thay, bỗng dưng trong lịch sử cận đại đã sản sinh một thế lực, một con người, một tập đoàn làm đảo lộn tất cả giá trị truyền thống mà đất nước đó đã bảo vệ mấy ngàn năm. Từ một XH (xã hội) tương thân tương trợ mà người bình dân nói là "tối lửa tắt đèn có nhau" thành đấu tố, đấu tranh giai cấp, là chém giết ngay cả "tình đồng chí".

Người bạn vẫn chưa cho tôi biết đất nước đó tên gì. Anh bạn kể tiếp.

Thế lực đó là chuyên gia bậc thầy về nhiều thứ ma mãnh mà sở trường nhất của họ là cho dân ăn bánh... vẽ, tức là hàm thụ. Muốn hoặc không thì chủ nhân (theo cách nói của nơi đó) vẫn phải nuốt, dạ thưa, nuốt chớ không được ăn đến bội thực những bánh vẽ của đầy tớ nhồi nhét. Lạ một điều là chủ nhân tuy đông đảo, phải phục vụ và thuần phục đầy tớ thiểu số nhưng vẫn cam nuốt những gì đầy tớ nhồi nhét. Chủ nhân cũng không lo bị sa thải dẫu có muốn xin nghỉ, khỏi lo thất nghiệp (khổ nỗi là thất nghiệp tư bản là cha của chủ nhân xã nghĩa. Khó hiểu?) Hãy tìm để hiểu người thất nghiệp XHTB (xã hội tư bản) với người lao động CS (cộng sản) sẽ cảm nhận thân phận người lao động của hai chế độ. Tuyệt vời hơn nữa là chủ nhân chỉ được phép khen. Chê bánh vẽ của đầy tớ là thái độ thiếu tôn trọng, bị tác động của thế lực thù địch (tưởng tượng) có thể bị qui chụp là lợi dụng ăn nhiều bị bội thực để tuyên truyền chống ăn bánh vẽ và đoạn kết là ngồi hay nằm tùy không gian của trại giam, nhìn vách tường để đếm ngày tháng trôi qua.

Bánh vẽ này không phải là một sự sáng tạo, phát minh mới của nhân loại mà được du nhập theo đường bán chính thức mà nói thẳng là quảng bá theo chỉ đạo của nước lạ mà đất nước đó chẳng lạ trên xứ đó. Họ cấy những tự hào từ tưởng voi như tưởng tượng cho đến bé li ti như hạt bụi nhưng sẽ có thể làm nổ tung cả hành tinh. Từ sau 30-04-1975 họ càng lớn tiếng, thiếu điều cả vũ trụ này phải kính cẩn nghiêng mình để ái ngại họ. Câu hỏi đặt ra là từ những tự hào áp đặt đó, đất nước và dân tộc đó hôm nay và tương lai ra sao?

Nếu có thống kê hoặc "sô (show) chậu" thì họ dứt khoát giựt giải, không kể từ trên rớt xuống hay từ dưới chui lên, dứt khoát đừng tranh cãi luôn là nhất vì họ đã ghi trong điều 4 Hiến pháp. Tôi ngưỡng mộ và tò mò quá nên hỏi người bạn, đất nước đó tên gì thì bạn cười có vẻ cho tôi hơi bị lạc hậu giữa thời đại in-tẹc-léc.

Thắc mắc trong tôi vẫn là với tự hào "hoành tráng" đó, đất nước đó trôi về đâu?

Qua những gì người bạn kể nêu trên để cho tôi chút xíu thì đất nước đó nó nằm nơi đâu đó trên địa cầu này (may quá tưởng nằm ở hành tinh nào). Nơi đó có eo co co thon nhỏ, lúc nhẹ nhàng yểu điệu như làn gió dịu dàng nhưng sẽ như vũ bão quét sạch mọi chướng ngại khi họ nổi giận. Có lẽ bạn biết nhưng tôi vẫn chưa hiểu người bạn nói về đất nước nào.

Vào chuyện

Sau những thắc mắc lằng nhằng của tôi, người bạn cho biết đó là bán đảo có hình cong như cụ già mệt mỏi nhọc nhằn ngày đêm mưu sinh - cầu mong mưa gió thuận hòa. Nói dễ hiểu là bán mặt cho đất - bán lưng cho trời nhưng trong chế độ này có bán hay cho cũng phải được thằng hay con đầy tớ nó cho phép. Bạn đọc chưa mường tượng ra? Tôi cũng như bạn.

Tôi đang thả hồn là đất nước đó như một cô gái đẹp với tràn trề sức sống và ước mơ bỗng dưng giựt mình khi người bạn cho là một cụ già. Ôi cuộc đời, đẹp hay xấu là do mình vì chỉ nghĩ mà không đi thì khó biết ra sao. Người bạn nhắc tôi là chữ S nhưng nằm ngang như thân của cụ già vừa nêu nên cõng nhiều quy định như quy hoạch, quy kết, quy trình và thậm chí là quy mã cũng không qua quy lụy.

Sương đọng hay giọt nước mắt trên mi mắt cũng không thể diễn tả cảm xúc về những giọt mồ hôi của nông dân trải trên ruộng đồng. Tuy cùng là giọt mồ hôi (không gian và thời gian nơi đó coi như không thay đổi), cảm xúc về nỗi niềm và quan trọng hơn nữa là bạn chia xẻ ra sao để hòa nhập chung cùng ý thức dân tộc. Có những giọt mồ hôi là niềm tự hào nhưng có thể là giọt cay đắng tủi nhục. Có những giòng lệ là vui mừng hay là niềm đau xót tủi hận? Vui hay buồn, đứng nhìn hay nhập cuộc sẽ có cảm nhận khác nhau.

Để có cách nhìn trung thực, chúng ta thử phân tích trong khả năng hạn hẹp nhưng khách quan coi ra sao.

Nhà cầm quyền

Người bạn kể cho tôi những trải nghiệm.

Họ làm việc với quy trình khép kín để bảo đảm an toàn chính trị, không cho phép ai ngoài guồng máy được ý kiến ý cò gì ráo. Họ tự hào là đỉnh cao trí tệ của nhân loại, chưa thể tiến hóa làm người lương thiện nên vẫn còn loay hoay trấn áp (trấn lột và đàn áp) người dân, cho thế tại sao phải cầm quyền mà theo cụ Láo có lý luận hiện nay là cứ nói cho sướng miệng chớ thực tế có luận với lý gì đâu. Ngay cái nôi đẻ ra chủ thuyết còn chạy làng, nói chung là cứ lừa đi, nói như mộng du cho đến lúc bị dân đuổi, còn nước cứ tát.

Họ tài đến nỗi đẩy con bò vào đầu này thì cuối quy trình nó cho ra sản phẩm đóng hộp hoành hành hơn bánh tráng dễ vỡ gọi tắt là hoành tráng, chất lượng cao chót vót, cao đến độ sờ đầu gối vẫn quá tầm, lòn dưới háng vẫn quá cao, cả thế giới và anh Triều tiên cũng ngưỡng mộ. Ông Hồ là thầy nổ hoành tráng trong lịch sử tuy dây thần kinh mắc cỡ đã đứt từ mới sinh, nghe cũng đứng dậy lắc đầu lạy tụi nó. Đúng là hậu duệ học tập soi gương bác mà hơn bác nên đất nước tan tác. Lỡ nó vô tích sự và đa số là gây tác hại vì... lỗi sản phẩm không phải lỗi sản xuất. Đầu tiên có thể là do người đứng máy thao tác sai quy trình vì người lập trình luôn luôn đúng và kết luận cũng không phải lỗi người đứng máy vì đã được quy hoạch đúng quy trình. Chẳng có ai trong hệ thống mang lỗi vì... người dân mắc lỗi là cam chịu. Bàn tới nói lui chi rắc rối, họ cho đồ hộp nó chạy ngược quy trình thành con bò còn vĩ đại hơn trước gọi là luân chuyển công tác. Vì là guồng máy khép kín nên cũng tự quy hoạch nhân sự rồi mới trình làng cho bàn dân thiên hạ chiêm ngưỡng sản phẩm đồ hộp hay con bò tùy nhu cầu và khái niệm, được gọi là dân chủ tự do trong quy hoạch. Dù ngọt hay đắng thì dân cũng phải nhiệt liệt hoan nghênh sự trong chưa sáng dẫu không thấy và thiên tai (lỗi đánh máy quên dấu huyền) của đảng.

Người bạn muốn bí mật nhưng bật mí hơi nhiều vì XH theo người bạn kể rất hiếm, xin nghe tiếp người bạn nói.

Câu nhật tụng thuộc lòng của lãnh đạo từ bé tí tẹo như ruồi muỗi cho đến to đùng như con bò luôn là đúng quy trình, chưa nghe báo cáo, sai đến đâu xử lý đến đó, xử lý nội bộ, luân chuyển công tác, rút kinh nghiệm. Đến nỗi khi có quan nào bị rọi đèn nóng quá hoặc bắt quả tang nhận hối lộ thì quan trên không bao giờ phát biểu vì tất cả đều phải có quy trình nhưng dư luận người dân đã biết những câu trên sẽ được tái bản. Có người còn muốn đăng ký bản quyền cho những câu quan hay nói. Tuyên truyền láo đến thế là cùng. Khó hiểu là dân biết họ láo, họ lừa nhưng vẫn im lặng như loài cá để đợi Formosa.

Trước 30 tháng tư năm 75, người dân hay đùa "tui là phó thường dân". Sau ngày đó thì đảng chẳng chừa thứ hay phó, nuốt hốt hết. Nhưng họ lại thích phó. Vì phó nhiều để ký thay, lỡ có sai thì phó chịu còn sếp cứ tà tà gom cống nộp chẳng có gì chứng minh là tham nhũng. Ủa, tham nhũng khi nhận tiền có ghi biên nhận? Mà ai chống tham nhũng khi kẻ chống và tham cũng một phường như nhau. Càng chức vụ cao tham nhũng càng lớn thì ai chống ai?

Đó là đối nội (đảng viên), đối ngoại (với dân) là một quy trình khác. Nguyên tắc căn bản xuyên suốt cũng phải từ con bò đến ruồi muỗi là không quản được thì cấm. Nhà cầm quyền trốn trong vỏ ốc hoặc ngồi đáy giếng nhưng luôn nói tầm nhìn đến Hỏa tinh mới kinh. Mặt khác họ nói là chưa nghe báo cáo, chẳng nghe tiếng than ngay chung quanh nơi hành tinh họ hiện hữu, vậy lãnh đạo có xứng khi chẳng biết chuyện đất nước dân tộc? Phải lãnh đạo là vậy sao? Lãnh đạo bị mù, điếc hay bại liệt nên chờ báo cáo?

Khó hiểu là những dự luật họ đưa ra giống như những kẻ bị tâm thần, không trốn từ chợ Quán cũng Biên Hòa (xin lỗi miền Bắc thì chưa biết, xin bạn đọc bổ xung). Nếu kể thì mất thời giờ quá vì ai cũng biết, xin nêu vài thí dụ gần nhất.

- Giao thông: Cấm sử dụng xe không chính chủ, quy định sức khỏe với người lái xe (ngực lép, thiếu chiều cao, nhẹ ký,...), cấm xe hai bánh lưu thông, thu phí xe ô tô (xe hơi) giờ cao điểm,... 

- Formosa: Bộ Tài Môi nói là hải sản an toàn, Bộ Y tế khuyến cáo với danh sách 154 hải sản không nên ăn. Vậy bộ nào đúng? Khi đi mua hải sản phải đem theo cẩm nang 154 loại hải sản không nên ăn và chưa chắc đã an toàn vì hải sản nó biết bơi, ai biết nó đăng ký hộ khẩu nơi nào?

Xin lỗi, người ngu nhất cũng thấy sự bất hợp lý nhưng lãnh đạo CS vẫn trơ trẽn tự hào là đỉnh cao của trí tệ thì còn gì để nói. Họ đã có "công" đưa một đất nước từ tôn sư trọng đạo đến một XH chém giết nhau chỉ vì "cái nhìn đểu". Họ đang phấn đấu và mong ước được như Thái, Sing mà trước khi họ nắm quyền là mong ước của Thái hoặc Sing khi nhìn về đất nước họ đang nắm quyền. Nếu thực sự họ phấn đấu cho đất nước theo Sing hoặc Thái thì người dân cũng nên mừng nhưng thực chất không phải vậy. Họ phấn đấu đây là có hạ cánh an toàn vì đất nước và dân tộc này đã bán rồi.

Nhân dân

Khái niệm nhân dân trong XH này là nói những con người bị trị nhưng ưu điểm hơn XH khác là được miễn phê bình lãnh đạo. Đặc biệt kèm khuyến mãi trong XH ưu việt đó không chỉ có phó thường dân mà còn thêm nhân dân hạng một, hạng hai, ba.

Nói có sách, mách có chứng (trong bài viết này là lý luận). Cùng là người phạm tội như nhau thì người có tiền sử tiền thân tốt sẽ nhẹ tội hơn là thứ nhất (theo cách nhìn của kẻ cầm quyền). Khắc phục hậu quả thì ai có khả năng hơn kẻ từng bóc lột người khác, hơn nữa là bóc mười khắc năm còn lời chán là thứ hai. Thứ ba là thi hành án. Người bạn cho biết là có hiếp dâm, giết người và những gì ghê tởm nhất có thể gỡ nhưng dính đến chính trị là thua.

Những sai phạm/tội ác thì bất cứ XH nào cũng phải lên án và hành xử nhưng XH mà người bạn nói đó quyền công dân ra sao? Người bạn cười khẩy và cho biết "người dân sẽ rất hạnh phúc nếu đảng không quan tâm đến họ". Khó hiểu quá vì nhà nước/đảng không quan tâm lại là niềm hạnh phúc, nên tôi yêu cầu bạn giải thích. Bạn hỏi lại "anh có suy nghĩ gì về Gestapo?" À ha, chắc đất nước bạn đang nói ở châu Âu. Tôi nói Gestapo là mật vụ bảo vệ chế độ Hitler. Người bạn cười khẩy (lại cười khẩy nữa), Gestapo chỉ là đàn cháu của chế độ này!

Xém chút xíu là tôi té ngửa. Chế độ của đất nước này còn ác hơn thời Hitler thì tôi không hiểu đời sống nhân dân nơi đó đau khổ khóc than như thế nào. Tôi không thể mường tượng. Người bạn lại cười nữa (chẳng hiểu tại sao lại cười cho một đất nước khổ đau).

Bạn cho tôi biết nhân dân của đất nước đó phản ứng ra sao. Vấn đề này khá tế nhị nên tôi không lược trình những gì bạn nói.

Kết

Người bạn vẫn không tiết lộ đất nước đó tên gì nhưng tôi đoán chừng đâu đó với truyền thống hào hùng, xả thân để bảo vệ chủ quyền đất nước hơn bốn ngàn năm chắc chỉ có Việt Nam. Đất nước tôi sao mãi đắm chìm, khi nào ngẩng mặt sánh vai với thế giới?

Xin lỗi tranh thủ viết nhanh gọn nên ý tưởng chưa rõ mong bạn đọc góp ý. Ông bà DLV (dư luận viên) nhào vô kiếm ăn.

23.10.2016



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo