Di chúc của Bá Chổi - Dân Làm Báo

Di chúc của Bá Chổi

Nguyễn Bá Chổi (Danlambao) - Người viết xin phép tác giả “Di Chúc Hồ Chí Minh” đã quá cố, và xin minh định nội dung bài viết này không nhằm mục đích chế diễu người đã ngỏm.

Là kẻ thấm nhuần “tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh”, “bác” Chổi noi gương “cha già dân tộc” đồng thời là ông nội mấy đứa nhỏ con của dưỡng tử nhà Vũ Kỳ và là ông cố nội đám cháu của ngài cựu Tổng bí thư họ Nông, “bác” Chổi đã viết di chúc và công bố “tươi”, tức cho phổ biến đang khi “người” còn sống. Như sau:

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA CỜ CỜ
Độc lập mất - Tự do cấm - Hạnh phúc dập

Cuộc quét Rác của nhân dân ta dù phải kinh qua hôi thối, hy sinh bịt mũi nhiều hơn nữa, song nhất định quét sạch hoàn toàn.

Đó là một điều chắc chắn. Sông lạch có thể bị triều dâng ngập mặn mãi mãi, núi rừng có thể bị Tiều thuê trồng người dài dài, nhưng chân lý Rác phải quét đi không bao giờ thay đổi. Rõ ràng là như thế...

Đến ngày đó, đương nhiên là tôi quăng chổi rồi, chứ chẳng dám có ý định ý điếc gì như “Bác” di chúc, rằng thì là “Tôi có ý định... tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc...” (Xem Di chúc Hồ Chí Minh).

Kế theo đó, tôi sẽ thay mặt Bá tước Đờ Ba-le và Bá tước phu nhân dân Hải Phòng, cùng Cu Tèo với Cái Hĩm cám ơn các “chổi” anh em (“các nước anh em”) không thuộc phe phái, băng đảng nào cả khắp năm châu đã lên tiếng ủng hộ cuộc quét Rác sạch banh khỏi nước ta.

Không cần phải đợi tới ông Đỗ Phủ bên Tàu dạy, “Nhân sinh thất thập cổ lai hy”, người Việt “bên” Ta đã biết từ khuya, rất hiếm người sống đến 70 tuổi. Nhưng đó là chuyện xưa; nay thì người mang bảy bó ”chạy đầy đường”, mà trong đó phần lớn là các nhà “Lão Thành Cắt Mạng” nhờ được hưởng “chế độ” Sổ Hưu đặc biệt.

Năm nay, tôi tuy đã quá đát thất thập, nhưng vẫn “già mà ham”, nên phải khó khăn lắm mới chân dài nào cũng liếc qua, gái gú nào cũng né tránh (“Bộ đội ta khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”), vì đã “hứa sẽ giữ lòng chung thủy với em, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng nhu lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng em mọi ngày suốt đời em”.

Tuy tự oánh giá sức mình còn “sung” như thế, nhưng ai mà đoán biết tôi còn quét Rác để phục vụ Tổ Quốc, phục vụ Nhân Dân được bao lâu nữa.

Vì vậy, tôi để sẵn mấy lời này, phòng khi tôi bỗng dưng bị bọn “côn đồ nhân dân” đến nhà “mời”, tống lên xe, đem về đồn Côn an Nhân dân làm việc rồi bị “tự tử” hay bị “biến chứng đột ngột” đi gặp bác Hồ, thì đồng chổi cả nước, “phen/fan” mình khắp nơi, bầu bạn năm châu, và cả các “dị chí” Dờ Lơ Vờ nữa, khỏi cảm thấy đột ngột, hụt hẫng như khi Tố Hữu nghe tin ông cố tổ của nhà thơ thiên tai (thiên tai, chữ “tai” không dấu huyền) ở tận bên Liên Xô chết, phải lăn đùng ra vật vã khóc lên đỉnh cao chói lọi không ai chọi nổi: “thương cha, thương mẹ thương chồng, thương mình thương một, thương ông thương mười”; rồi như người mất trí, quên luôn cả mình là kẻ vô thần, nằm chuầy ra than trách “Đất, Trời biết không!”...

Trước hết, nói về Rác. Không cần vào Viện Khổng Tử để đọc “Vạn thế sư biểu viết” (như kiểu bác nhờ lời Đỗ Phủ…), ai cũng biết rác do một người xả thì ít hơn nhiều người xả. 

Chỉ một kẻ xả bậy một nhúm rác đã đủ bẩn đủ hôi, lôi thôi đến môi sinh; đàng này thủ phạm là cả một băng mấy triệu băng viên băng cục. Do đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ xả rác, xả trên đầu nhân dân, xả khắp miền Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Băng đã xả rác hết đống này sang đống khác, đống sau “hoành tráng” hơn đống trước.

Trước tình hình bị Rác xả như “ba dòng thác cách mạng”, nhiều dân cư chịu không thấu đã phải liều mạng tìm đất mới để mà thở; đến cả Băng viên cao cấp cũng không kham nổi mùi do băng mình xả ra, không ít “đồng chí” đã “tự chuyển biến, tự chuyển hóa” thành “dị chí” với Băng, có những kẻ đã “cướp thời cơ” đi công tác ở nước ngoài, xin tỵ nạn Rác.

Đoàn kết là đòi hỏi đương nhiên giữa những người cầm chổi. Bắt chước lời bài hát “Thề không phản bội quê hương”, tôi ước gì:

Một cái chổi vung lên
Hàng ngàn cái chổi vung lên
Hàng vạn cái chổi vung lên
Hàng triệu cái chổi vung lên
Quét cho sạch rác rưới khắp nơi...

Tuy nhiên mình cặm cụi quét cho sạch, xong rồi, băng ăn bẩn, ở dơ mang trong mình “dòng máu anh hùng” xả rác “truyền thống” của Vương Quốc Khỉ Đột lại xả rác tiếp, thì đâu lại vào đó chẳng bỏ công. Hay là:

“Hát hay không bằng hay hát”
Quét rác không bằng quét bọn chuyên xả rác.

Nhân dân, lao động cũng như hưu trí, còn trong bụng mẹ hay mới oe oe khóc chào đời, đang trẻ trung mạnh khỏe hay già yếu hom hem, ở miền xuôi cũng như miền núi, đã bao chục năm bị chế độ rác hoành hành kinh quá.

Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù cầm chổi, bất chấp bọn xả rác hóa trang côn đồ đến hành hung, y như bác Hồ bịt râu dấu mặt đi dự đấu tố “địa chủ ác ghê” Nguyễn Thị Năm là chỗ vừa thân nhân vừa ân nhân của “người”.

*

Về việc riêng, tôi không dám làm chuyện “Cáo già giả Tiên ông” để “ca-ra-ô-kê” ta đây suốt đời cầm chổi phục vụ tổ quốc, quét rác Cắt Mạng, tôi không có gì phải hối hận trong lúc “hành chổi”. Chỉ có điều đáng tiếc là đôi khi tôi tung chổi hơi bị mạnh tay làm rác bay lên một vài “đồng chổi”, khiến họ quay ra “phe ta chửi phe mình”.

Cuối cùng tôi, tôi xin được để lại muôn vàn thân tình cho các cháu thanh thiếu niên và nhi đồng đã “thấy” được rác và ý thức phải “quét sạch nó đi”. Chỉ có thế hệ các cháu ra tay mới làm nên trò trống, chứ như tôi đây, có trăm chổi, hay nghìn chổi quét mãi chẳng đến đâu, có khi lợi bất cập hại, chỉ “quậy” cho đám dư luận viên châu vào chửi bừa chửi bựa khiến bọn trẻ nít tưởng như thế là sống và làm việc theo đức bác Hồ, là đúng phong cách “con người mới, văn hóa mới xã hội chủ nghĩa”, thì càng khốn nạn thêm cho đất nước, dân tộc.

Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chổi, các bạn đọc dù thương dù ghét “đường chổi “tôi đi vì bất cứ lý do gì, bởi đó là quyền của mọi người sinh ra đều bình đẳng, như lời bác Hồ đứng thẳng cẳng tuyên ngôn ở Ba Đình năm xưa.

Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn dân ta đoàn kết phấn đấu nhà nhà cầm chổi, người cầm chổi, đồng loạt ra đường quét dứt điểm đống rác vĩ đại đang cản trở đường đi, đang gây ô nhiễm trầm trọng môi trường sống của mọi người. Đống rác Tư Bản Rừng Rú.

Làm tại dưới chân Tượng đài Mẹ Việt Nam.

Ngày 11/7/2017



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo