Ngày Trái Đất 2018: Một thế giới không ô nhiễm chất dẻo - A World Without Plastic Pollution - Dân Làm Báo

Ngày Trái Đất 2018: Một thế giới không ô nhiễm chất dẻo - A World Without Plastic Pollution


Mai Thanh Truyết (Danlambao) - Chúng ta bước vào năm thứ 48 của Ngày Trái Đất, ngày 22 tháng Tư năm 2018. Ngày nầy được xem như là ngày nhắc nhở hơn 7,6 tỷ người trên trái đất cần nên có thêm cảm hứng, trao đổi ý kiến, khơi dậy ước mơ, và nhứt là vận động và kích thích để mọi người cần hành động để bảo vệ môi trường sống của tất cả chúng ta. Hàng năm có trên một tỷ người khắp nơi, tùy theo điều kiện hiện có của mỗi quốc gia, tổ chức các cuộc vui chơi, vận động cho mọi người ý thức nhiều hơn nữa về tình trạng môi trường chung cho thế giới và riêng cho từng quốc gia.

Tại Hoa Kỳ và trên khắp thế giới, sương mù đang trở nên trầm trọng và bằng chứng đang gia tăng tình trạng ô nhiễm khiến trẻ con chậm phát triển. Đa dạng sinh học bị suy giảm do sử dụng thuốc trừ sâu và các chất ô nhiễm khác.

Ngày nầy năm 1970, Cựu Tổng thống Nixon công bố thành lập Cơ quan Bảo vệ Môi trường (USEPA) và cũng là Ngày Trái Đất đầu tiên 22-4-1971. Ông phát biểu: “Ngày Trái đất là một sự kiện toàn cầu mỗi năm và chúng tôi tin rằng hơn 1 tỷ người ở 192 quốc gia hiện tham gia vào một ngày hành động tập trung công dân lớn nhất trên thế giới”.

Năm nay, Mạng lưới Ngày Trái Đất (Earth Day Network - EDN), cơ quan điều hành Ngày Trái Đất Toàn cầu (Earth Day Worldwide) tuey6n bố chủ đề cho năm 2918 là “Chấm dứt Ô nhiễm Chất dẻo” (End Plastic Pollution), bao gồm việc tạo ra sự hỗ trợ cho nỗ lực toàn cầu để loại bỏ chất dẻo sử dụng một lần (single-use plastic) cùng với các quy định toàn cầu về việc loại bỏ chất dẻo.

EDN nhận định rằng từ sự việc ngộ độc và làm hư hại sinh vật biển đến sự hiện diện của các loại chất dẻo trong thực phẩm, từ đó, các nguyên nhân trên đã xáo trộn hormon của con người và có thể gây ra các bệnh nguy hiểm đến tính mạng. Ngày nay, sự tăng trưởng nhanh của chất dẻo phế thải đang đe dọa sự sống còn của hành tinh chúng ta. EDN cũng đang xây dựng một chiến dịch kéo dài nhiều năm để chấm dứt ô nhiễm bằng nhựa dẻo tôi bao gồm:

- Việc chấm dứt chất dẻo sử dụng một lần;

- Thúc đẩy các nguyên liệu thay thế cho nhiên liệu hóa thạch;

- Thúc đẩy việc tái chế 100% chất dẻo, trách nhiệm của công ty và chính phủ và thay đổi hành vi của con người trong việc xử dụng chất dẻo.

Chiến dịch Kết thúc Ô nhiễm Chất dẻo của EDN nhằm thực thi bà mục tiêu trên nhắm vào:

- Tạo dựng một phong trào gốc chính để hỗ trợ việc thông qua khuôn khổ toàn cầu để điều chỉnh sự ô nhiễm chất dẻo;

- Giáo dục, vận động và kích hoạt công dân trên toàn cầu để yêu cầu các chính phủ và các công ty kiểm soát và dọn sạch ô nhiễm bằng nhựa;

- Giáo dục, vận động, và khuyến khích công dân toàn cầu ý thức trách nhiệm cá nhân về ô nhiễm chất dẻo bằng cách chọn từ chối, giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất dẻo (reject, reduce, reuse, and recycle plastics);

Khuyến khích thúc đẩy các quy định của chính quyền địa phương và các nỗ lực khác để giải quyết tình trạng ô nhiễm chất dẻo.


EDN sẽ thúc đẩy việc thực thi các mục tiêu đề ra trên nhân Ngày Trái Đất và sự quan tâm của thế giới ngày càng tăng trong Ngày kỷ niệm 50 năm Ngày Trái Đất vào năm 2020 (the 50th Anniversary of Earth Day in 2020) như một chất xúc tác cho hành động toàn cầu.

1. Hành động cụ thể:

- Khuyến khích và cổ động khái niệm “Mỗi ngày của cuộc sống là Ngày Đất”, vì vậy tất cả chúng ta nên chăm sóc trái đất hàng ngày;

- Tìm hiểu và học tập: Tìm hiểu thêm về vấn đề này và hành động để giúp chấm dứt việc ô nhiễm chat dẻo;

- Hành động cá nhân: Ghi lại những hành động trong qua khứ làm ô nhiễm chất dảo trong môi trường của cá nhân. Từ đó theo dõi việc hạn chế phát thải của chính mình. Chia sẻ kinh nghiệm câu chuyện của bạn. Và từ đó, kết thúc việc chấm dứt làm ô nhiễm của bản thân. Chuyển tải lên Facebook, Twitter và Instagram;

- Tham gia trực tiếp: Chia sẻ những gì bạn đang làm. Tìm hiểu thêm về cách tổ chức các sự kiện để Kết thúc Ô nhiễm Chất dẻo.

- Và sau hết, đối với mỗi người trong chúng ta, cần nên thay đổi và điều chỉnh những thói quen “không thân thiện với môi trường” hàng ngày cho thích ứng với việc giảm thiểu những nguy cơ hiện tại như: tiết kiệm năng lượng, xử dụng nước sinh họat hợp lý, không bừa bãi hay phí phạm, và nhất là lượng hấp thụ lương thực, thực phẩm cần phải được hạn chế vừa đủ cung ứng cho nhu cầu cơ thể mà thôi.

Có được như vậy, may ra, chúng ta vừa bảo vệ được sức khỏe, vừa có thể kéo dài thêm đời sống của hành tinh chúng ta đang cư ngụ. Ngày Trái Đất trong suy nghĩ mới không phải là ngày 22 tháng 4 hàng năm, mà phải là Ngày Trái Đất là Mỗi Ngày - Earth Day is Every Day.

Đây là một thông điệp nhằm mục đích chuyển tải nhiều hình thức bảo vệ Trái Đất chung như:

- Cần xây dựng một công dân toàn cầu thông thạo các khái niệm về việc chấm dứt việc phát thải chất dẻo trên thế giới và nhận thức được mối đe dọa chưa từng có trước đây đối với hành tinh chúng ta. 

- Cần khuyến khích mọi người mang sự hiểu biết để truyền tải ý thức cho việc hành động bảo vệ môi trường chung.

Trong suốt 48 năm qua, Ngày Trái Đất đã được cổ súy rất nhiều tại Hoa Kỳ, và từ đó, Cơ quan Bảo vệ Môi trường (US EPA) đã thông qua các dự luật như Luật Làm Sạch Không khí (Clean Air Act), Luật Cải tiến Phẩm chất Nước (Water Quality Improvement Act), Luật Bảo vệ các Động vật có Nguy cơ bị Diệt chủng (Endangered Species Act) và nhiều luật liên quan đến Môi trường khác.

2. Chúng ta đã làm được gì cho trái đất? 

Không phải bi quan mà nói, nhưng thực tế cho thấy rằng, chúng ta càng làm cho Trái Đất “xấu thêm”.


- Nhiều vấn đề ngày càng trầm trọng hơn như sự hâm nóng toàn cầu ngày càng tăng dần:

- Lượng khí thải carbonic CO2 đã vượt qua nồng độ 400mg/m3 không khí tạo nên tình trạng đão lộn thời tiết mưa-gió-bão-lụt bất thường trong ba năm vừa qua do Trung tâm Mauna Loa Observatory (Hawaii) công bố vào tháng 6/2013, một điểm tới hạn trong không khí theo quan điểm của một số nhà khoa học, vì khi đạt được định mức nầy, nguy cơ thay đổi thời tiết bất thường trên trái đất sẽ khó kiểm soát được.

- Cộng thêm việc phá rừng để phát triển quốc gia càng làm tình trạng trên trầm trọng thêm ra. 

- Tầng ozone trên thượng tầng khí quyển ngày càng bị tàn phá hơn nữa do các khí thải nhà kính do sự phát triển kỹ nghệ và công nghệ mới…



- Phế thải trên biển đã tạo ra một “ốc đảo” ở giữa biến Thái Bình Dương chia hai bờ biển Nhật Bản và California. Ốc đảo lớn hơn diện tích của tiểu bang Texas và có độ dày trên 30 thước, chứa đa số là các loại plastic đủ loại. 

Tóm lại, hệ sinh thái ngày càng tệ hại hơn so với 48 năm về trước!

3. Cuộc Hành trình của Ngày Trái Đất

Từ ngày thành lập, một hệ thống Mạng lưới Ngày Trái Đất (Earth Day Network) được thiết lập để cố súy việc tham gia của tất cả người dân sống trên địa cầu, và có trách nhiệm hành động trên toàn thế giới. Ngày nầy năm 1990 ghi nhận có 200 triệu người trên 141 quốc gia tham dự.

Ngày Trái Đất năm 2000, có 5000 NGO về môi trường và 184 quốc gia hưởng ướng. Trong năm nầy, Hayes tập trung vận động về vấn đề năng lượng sạch và sự hâm nóng toàn cầu. Từ đó, Nghị định thư Kyoto (Kyoto Protocol) về môi trường toàn cầu ra đời tại Kyoto, Japan năm 1997, đặt nền tảng cho sự giảm thiểu sự phóng thích khí thải CO2 vào không khí lấy tiêu chuẩn vào năm 1990. 

Ngày Trái Đất năm 2010, để kỷ niệm 40 năm, 225.000 người tụ tập trước National Mall bắt đầu cuộc đi bộ cho việc thay đổi khí hậu toàn cầu và kết ước trồng 1 tỷ cây cho thế giới. Kết ước nầy đã hoàn tất năm 2012. 

Năm 2015, Mạng lưới Ngày Trái Đất tung ra chiến dịch vận động Thế hệ Xanh (Green Generation) nhằm mục đích giảm thiểu sự phát thải khí carbonic qua việc áp dụng các nguồn năng lượng thay thế, kêu gọi sự tiêu thụ năng lượng một cách bền vững (sustainable), sáng kiến tạo ra và thực thi nền kinh tế xanh (green economy). Muốn được vậy, chúng ta cần phải triệt để làm những việc sau đây:

- Cần có thêm nhiều chiến lược cải cách tích cực hơn nữa;

- Luật lệ về môi sinh nghiêm khắt và cứng rắn hơn.

4. Tại sao chúng ta phải cổ súy Ngày Trái Đất?

Hiện tại, vấn đề hâm nóng toàn cầu là một vấn đề thiết yếu cho thế giới, vì có thể nói sự gia tăng khí CO2 vào bầu khí quyển là do CON NGƯỜI. Và sự gia tăng nầy ngày càng trầm trọng hơn, bất thường hơn so với giai đoạn từ 1300 năm trước cho đến năm 1900.

Như đã trình bày ở phần trên, khi nhiệt độ không khí tăng lên, các hiện tượng như: các luồng khí nóng tạo ra nhiều hơn, bệnh tật lan rộng nhanh hơn, vùng sinh thái cho thú vật và cây cỏ thay đổi do sự khắc nghiệt của nhiệt độ, mưa bão và hạn hán bất thường và thay đổi thường xuyên v.v…


Một số ảnh hưởng trên làm đão lộn sức khỏe và cuộc sống của con người:

- Về sức khỏe: Nếu nhiệt độ tăng cộng thêm độ ẩm của không khí kéo dài nhiều ngày, và ban đêm nhiệt độ không hạ thấp xuống, hiện tượng trên có thể làm chết người. Tính khí con người có thể thay đổi và trở nên nóng tánh dễ dàng hơn.

- Thiên tai: Mưa gió bất thường, nóng lạnh thay đổi đột ngột ảnh hưởng lên sức khỏe và mức an toàn của con người (nạn cháy rừng xảy ra do khí nóng kéo dài nhiều ngày). Nóng nơi nầy sẽ tạo ra ẩm ướt nơi khác, từ đó, tình trạng lũ lụt và hạn hán sẽ thường xảy ra cho nhân loại.

- Phẩm chất không khí giảm: Tình trạng trên làm cho lớp khí ozone gần đất (ground-level ozone) tăng thêm làm cho con người khó thở..

- Ảnh hưởng lên thực phẩm: Nguy cơ ảnh hưởng lên mức sản xuất ngủ cốc, rau đậu, trái cây, gia súc, và nghề đánh cá. Sự thay đổi khí hậu có thể làm tăng giá thực phẩm tiêu dùng lên khoảng 50% đến 60% cho năm 2030.

Tất cả sẽ làm giảm thiểu nguồn lương thực cho con người và nạn đói có thể xảy ra ở nhiều nơi vì các nước giàu không còn nhiều khả năng để cưu mang các quốc gia nghèo như Phi Chầu và Á Châu.

Những tệ trạng đã và đang xảy ra cho chúng ta trên đây do chính chúng ta là thủ phạm. 

Vì vậy, chúng ta cần tỉnh thức hơn nữa để vận động Mạng lưới Ngày Trái Đất. Hiện tại, Mạng Lưới quốc tế nầy thu hút trên 22.000 tổ chức NGO trên khắp 192 quốc gia, quy tụ hơn 30.000 nhà giáo dục, điều hợp hàng ngàn dự án phát triển và bảo vệ môi trường hàng năm.

Tuy vậy vẫn chưa đủ! 

Sự lưu tâm, cổ súy, và cam kết vận động cho Ngày Trái Đất vẫn chưa đạt được kết quả mong muốn.

Ngày Trái Đất phải thực sự là một diễn biến dân sự lớn nhứt thế giới để mọi người cùng hiểu và cùng làm với nhau để bảo vệ Trái Đất của chúng ta.

5. Những cản ngại cho Ngày Trái Đất

Những thương thuyết quốc tế về viễn tượng hâm nóng toàn cầu bắt đầu từ Thượng đỉnh Rio de Janeiro (Rio Summit), Ba Tây năm 1992. Vào năm 1997, Nghị định Thư Kyoto ra đời ở Japan với nhiều quyết định cho toàn cầu trong đó, tất cả các quốc gia hứa sẽ giảm sự phát thải khí carbonic (CO2) vào năm 2005 ngang bằng với lượng phát thải của mỗi quốc gia ở năm 1995. Đều nầy đã được nhắc lại ở Nghị định thư Kyoto (Kyoto Protocol) một lần nữa vào năm 2005, ở Chương trình Hành động ở Bali (Bali Action Plan) năm 2007, và nhắc nhở việc thực thi ở Copenhagen năm 2009 với mục tiêu chung là giới hạn sự hâm nóng toàn cầu dưới 20C.


Và từ đó đến nay, qua nhiều hội nghị, để cuối cùng kỳ Hội nghị kỳ thứ 21 ra đời từ ngày 30 tháng 11 cho đến 11 tháng 12, tại Paris (COP21) đã diễn ra “Hội nghị kỳ thứ 21 về Thỏa thuận Khái niệm Căn bản về Thay đổi Khí hậu của mọi Thành viên Liên Hiệp Quốc” (21th Session of the Conference of the Parties to the United Nations Framework Convention on Climate Change – UNFCCC). Đây là một thượng đỉnh hết sức quan trọng cần thiết để đi đến một giải pháp đồng thuận về sự biến đổi khí hậu áp dụng cho mọi quốc gia nhằm mục tiêu gìn giữ sự hâm nóng toàn cầu tăng trưởng dưới 20C cho đến cuối thế kỷ 21 nầy. 

Hiện tại, Trung Cộng là quốc gia phát thải khí carbonic (CO2) lớn nhứt vào không khí vào khoảng 12 tỷ tấn, chiếm khoảng 22% lượng khí thải toàn cầu. Theo thống kê năm 2014, TC tiêu thụ 1.962,4 triệu tấn than, tức 50,6% tổng lượng than trên thế giới. 

Từ các số liệu trên cho thấy là thế giới cần phải có biện pháp chế tài như thế nào để chận đứng việc sử dụng năng lượng hóa thạch của các quốc gia đông dân số và đang phát triển như Trung cộng và Ấn Độ (phát thải 3,1 tỷ tấn).

Vì vậy, Ngày Trái Đất vẫn là một ngày quan trọng cho thế giới cần lưu tâm về giá trị của Nhân loại, vì đây là một hướng bảo vệ môi sinh tích cực nhứt.

6. Ngày Trái Đất Việt Nam

Ngày nầy ở Việt Nam, mục tiêu Ngày Trái Đất là “Việt Nam Sạch & Xanh” (VNS&X) nhằm mục đích nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề rác và xả rác bừa bãi ở Việt Nam. Mặc dù có nhiều vấn đề khác tác động xấu đến môi trường, nhưng Việt Nam tập trung vào vấn nạn xả rác bởi tin rằng đây là yếu tố căn bản nhất dẫn đến những vấn đề môi trường khác và là nền tảng trong chương trình giáo dục về bảo vệ môi trường.



Dự án “Ngày Trái Đất”: Ngày Trái Đất là một trong những sự kiện lớn được tổ chức hàng năm của VNS&X. Dự án Ngày Trái Đất 2018 được triển khai từ tháng 3/2018 đến hết tháng 4/2018 với mục tiêu thu hút 5,000 người tham gia sự kiện và lan tỏa thông điệp của VNS&X. Năm nay, vào Ngày Trái Đất, chiến dịch vận động cho Tuổi Trẻ là…hãy cùng hơn 1,000 bạn trẻ trên khắp 5 tỉnh thành Việt Nam phát động, phổ biến…để tất cả trở thành một ngọn sóng đẩy rác thải về đúng chỗ, trả lại thành phố xanh nguyên thủy. Đó là những thành phố sau: Tp HCM gồm Quận 1, Quận 2 và Quận 7, Hà Nội, Phú Quốc, Huế, và Hội An.

Tuổi trẻ cùng hành động nhằm mục đích:

Trở thành tình nguyện viên Ngày Trái Đất tại đây: https://goo.gl/S2uJH2

Phát tán thông điệp: Môi trường Xanh & Sạch. 

Giờ Trái Đất: Năm nay là năm thứ 10 Việt Nam hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất với chủ đề "Hôm nay tôi sống xanh hơn" sẽ có không ít sự kiện thú vị để xem và đến tham gia trực tiếp. Sự kiện tắt đèn tiết kiệm điện thường niên nhằm góp phần thay đổi nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần gìn giữ nguồn tài nguyên tự nhiên của nhân loại. Đây là sáng kiến của Quỹ Quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF) và tính đến nay đã có khoảng 7.000 thành phố thuộc 187 quốc gia và vùng lãnh thổ hưởng ứng chiến dịch. 

7. Hướng đến Tương Lai

Người viết hy vọng những thông tin trên giúp cho người Việt hải ngoại và quốc nội nhận diện rõ hơn nguy cơ của sự hâm nóng toàn cầu và mối quan tâm của thế giới trước vấn nạn nầy nhằm cố gắng thực hiện “Mỗi ngày của cuộc sống là Ngày Trái Đất”.


Đối với người Việt chúng ta, mọi phí phạm cho dù nhỏ nhoi cũng đã góp phần vào việc Hâm Nóng Toàn Cầu và làm cho Trái Đất “bịnh”như:

- Hạn chế tối đa việc dung bao plastic trong sinh hoạt hàng ngày, khi đi chợ, gói ghém, bảo quản thực phẩm, v.v…

- Tránh lạm dụng nguồn nước sạch;

- Tránh phí phạm nguồn thực phẩm (nhứt là khi đi ăn ở các nhà hàng All you can eat);

- Tránh phí phạm nguồn giấy (in ấn cần hai mặt giấy, dùng giấy tái sinh (recycled);

- Trong nhu cầu vệ sinh cần tiết kiệm nước như nếu đi “1” cần bấm nút “1/2 bồn cầu, đi “2” bấm cả bồn;

- Tránh phí phạm xăng dầu (tắt máy xe khi không cần thiết, lạm dụng máy lạnh trong xe, xài xe ít tốn năng lượng, v.v…);

- Trong nhà chỉ bật đèn khi cần thiết, ra vào nhớ tắt điện;

- Máy điện toán cần phải tắt sau khi sử dụng, v.v…

Ý thức được và làm được những sự việc “nhỏ nhoi” kể trên cũng đã góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ môi trường sống của chính chúng ta và của toàn cầu…

Và có làm như thế, các thế hệ về sau, sẽ không trách cứ chúng ta đã để lại một món nợ Môi Trường cho chúng.

Mục tiêu của Ngày Trái Đất năm nay là “Một Thế giới không Ô nhiễm chất dẻo” là một cảnh báo sau cùng cho những công dân thế giới ngày hôm nay. Ô nhiễm chất dẻo trên toàn thế giới đã đạt đến điểm tới hạn rồi (threshold limit)!

Nên nhớ, chúng ta hiện diện và sống trên hành tinh nầy chỉ là một sự vay mượn, và khi ra đi…chúng ta phải để lại cho thế hệ sau một Môi Trường Nguyên Thủy trong sạch của Trái Đất như lúc ban đầu…

Mong lắm thay!



Hội Bảo vệ Môi trường Việt Nam (VEPS)
Ngày Trái Đất 2018




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo